Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành công thương thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành. Tiêu biểu là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất đã được áp dụng. Nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương cũng còn gặp nhiều thách thức như năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, tỷ lệ tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh của doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, hệ sinh thái về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thiếu kết nối và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa tổ chức khoa học và công nghệ - trường đại học - doanh nghiệp, thiếu kết nối giữa tư vấn phát triển sản xuất công nghiệp và tư vấn chuyển đổi số… Do đó, Hội thảo là cơ hội để các đơn vị tham mưu, giúp việc Bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ ngành Công Thương được lắng nghe, hiểu rõ hơn các kết quả nghiên cứu, các nội dung thảo luận, trao đổi học thuật, cũng như các đề xuất về các chính sách phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội từ các diễn giả để xây dựng những định hướng hoạt động trong thời gian tới được phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn.
Việt Hòa