GS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, là một quốc gia đang phát triển với nhiều khó khăn, song Việt Nam rất quan tâm và có nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển ĐMST, trong đó tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện NIS. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có một số nỗ lực tích cực trong ban hành chính sách cũng như thiết lập các tổ chức thúc đẩy ĐMST (ví dụ như Trung tâm ĐMST quốc gia, Qũy Đổi mới công nghệ quốc gia, Qũy Phát triển KH&CN quốc gia), thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST... Tuy nhiên, những kết quả thu được còn rất khiêm tốn và thực tiễn triển khai còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần nhanh chóng được tháo gỡ nhằm khai thông nguồn lực đầu tư thúc đẩy các hoạt động ĐMST.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, NIS đã được phát triển và hoàn thiện tại các quốc gia phát triển Châu Âu (EU) từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX và đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển bền vững của khu vực. Để phát huy hiệu quả của hệ thống đổi mới quốc gia, các quốc gia EU đã tập trung vào một số lĩnh vực như: tăng cường năng lực của các trường đại học, hạ tầng nghiên cứu và mở rộng hợp tác quốc tế, bao gồm các cơ hội việc làm cho các nhà nghiên cứu nước ngoài, cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập tiên tiến. Các khuyến khích ưu đãi tài chính thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia để thu hút các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nước ngoài. Những chính sách trên đã có những tác động tích cực đến quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các quốc gia EU, góp phần duy trì sức mạnh công nghệ của toàn khối như một trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến của thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu thì những thành công ban đầu trong NIS của Việt Nam đã được ghi nhận: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) từ thứ hạng 71 năm 2014 đã vượt lên 59 năm 2016 và đến năm 2020 đã bứt phá lên vị trí 42/131, chỉ xếp dưới Singapore và Malaysia trong khu vực ASEAN. Trong 5 năm qua, sự cải thiện cũng thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với NIS, như tổng chi quốc gia cho R&D, cũng như số lượng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hướng tới trở thành trung tâm của ĐMST với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Viettel, FPT... Các chỉ số, nội hàm quan trọng khác của NIS, như số lượng công bố quốc tế và đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích cũng tăng đều đặn hằng năm trong giai đoạn 2016-2020.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng thì với tiềm năng phát triển của Việt Nam những kết quả trên là chưa đủ, còn nhiều dư địa chính sách cần cải thiện. PGS.TS Thắng gợi ý, là những nước đi trước trong phát triển hệ thống NIS, các nước châu Âu có những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học tập, tham khảo trong một số vấn đề như xây dựng khung pháp lý; vai trò của Nhà nước trong hình thành các thiết chế hỗ trợ cũng như các cơ chế hỗ trợ trực tiếp ban đầu; huy động nguồn lực cho NIS; tăng cường vai trò trung tâm của doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể…
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ NIS ở một số nước Liên minh châu Âu và ở Việt Nam, cung cấp giá trị tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực ĐMST. Cũng qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Nguyễn Hà