Thứ ba, 31/08/2021 18:35

Phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt, nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) logistics. Đây cũng là những trao đổi và thảo luận tại Hội thảo quốc tế do Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 25/8/2021.

Nguồn lực thiếu và yếu

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 DN logistics, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nguồn nhân lực về logistics sẽ cần 200.000 lao động. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, ngoài khó khăn về vốn, các DN logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của các DN hiện nay. Có đến 85,7% DN Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc.

Các số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy, có đến 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các DN logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao. Ngoài ra, vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới đối với nhân lực logistics Việt Nam.

Phát triển để thích ứng với biến động

Bối cảnh đại dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có và những tác động tiêu cực đáng kể không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn làm thay đổi môi trường kinh doanh trên toàn cầu. Trước tình thế đó, sự xuất hiện của nhiều xu thế mới làm thay đổi tư duy, quan điểm về cách thức kinh doanh truyền thống, đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho công tác hoạch định và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Hội thảo trực tuyến “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực logitsics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách hiện nay. “Việc Chính phủ ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh và chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực được cấp văn bằng quốc tế về logistics và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đã thể hiện yêu cầu cấp bách này” - bà Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực DN, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu của thời đại, đặc biệt là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán, triển khai... Đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp DN logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế. Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực, cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, theo ông Trần Thanh Hải các giải pháp mà chúng ta cần quan tâm gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ giảng viên giảng dạy có chất lượng cao, phục vụ cho công tác giảng dạy trong nước. Phối hợp trong việc tổ chức các chương trình đào tạo sinh viên, học viên chất lượng cao và đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao của DN.

Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo hiện có theo hướng chuyên sâu, đảm bảo tính khoa học, hệ thống và tính liên thông giữa các bậc đào tạo. Tập trung vào các kỹ năng cần thiết để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ và khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế nhằm giúp lao động trong lĩnh vực logistics thích nghi hiệu quả hơn với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.

Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với nhau và với DN sử dụng nhân lực, đẩy mạnh kết nối giữa khối đại học, cao đẳng nghề với khối bồi dưỡng ngắn hạn. Hợp tác về giảng viên, cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình, kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau. Ngoài ra, các DN sử dụng nhân lực logistics cũng cần được thu hút, tạo điều kiện để tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình đào tạo, hướng dẫn thực tập, tăng tiếp cận thực tế cho sinh viên.

Thứ tư, tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa công tác truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp... để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào lĩnh vực chuyên ngành này. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các DN, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập.

Thứ năm, khuyến khích, tạo điều kiện học tập, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động tại DN.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ và của toàn nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam cần có một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng.

Nguyễn Thúy Hà

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)