ĐMST và ĐMST mở
ĐMST mở
Giống như nhiều khái niệm khác, “ĐMST mở” - OI (Open Innovation) là khái niệm không có tính chính xác tuyệt đối khi nó đang trong quá trình hình thành, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Bắt đầu từ khái niệm của GS Henry Chesbrough, khi đó là trợ lý giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard ở Boston, khái niệm này được ông diễn giải lần đầu vào năm 2003 trong tác phẩm “Kỷ nguyên của ĐMST mở”. Theo đó, các công ty đang tư duy lại cách thức tạo ra các ý tưởng và đưa chúng tới thị trường - thông qua việc khai thác ý tưởng bên ngoài, hoặc tận dụng nghiên cứu trong nội bộ về những vấn đề nằm ngoài hoạt động hiện hành của doanh nghiệp.
Nói một cách khác, ĐMST mở là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty khai thác được các nguồn ĐMST từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để đưa chúng ra thị trường và thương mại hóa. Như vậy, ĐMST mở được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội, đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, công chức nhà nước hay công dân. Do vậy, ĐMST mở không thay thế cho quy trình ĐMST truyền thống (ĐMST đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp các công ty cập nhật xu thế công nghệ mới nhất, giúp giải quyết những vấn đề trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Sự khác nhau giữa ĐMST đóng và mở
Sự khác nhau giữa ĐMST truyền thống và ĐMST mở thể hiện rõ ràng qua bảng so sánh sau:
Nguyên tắc của ĐMST đóng
|
Nguyên tắc của ĐMST mở
|
Những nhân lực giỏi trong lĩnh vực này đều làm việc cho công ty.
|
Không phải tất cả những người giỏi đều làm việc cho công ty; cần phải làm việc với cả những người xuất sắc ở trong và ngoài công ty.
|
Để thu lợi từ nghiên cứu và phát triển (R&D), công ty phải tự làm tất cả từ việc phát hiện, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm đến thị trường đích.
|
Việc mở rộng R&D ra bên ngoài có thể tạo ra giá trị đáng kể. Các hoạt động R&D nội bộ vẫn cần thiết để đóng góp vào giá trị chung.
|
Nếu công ty tự phát hiện ra thì họ sẽ là người đầu tiên đưa nó ra thị trường.
|
Công ty không cần phải là người khởi xướng nghiên cứu để có thể thu lợi từ nó.
|
Công ty đầu tiên đưa sản phẩm ĐMST ra thị trường sẽ là người chiến thắng.
|
Công ty xây dựng được mô hình kinh doanh tốt hơn sẽ giành được nhiều lợi ích hơn so với việc đưa sản phẩm ra thị trường trước tiên.
|
Nếu công ty tạo ra được hầu hết các ý tưởng tốt nhất về ĐMST trong ngành thì họ sẽ là người chiến thắng.
|
Nếu công ty tạo lập được thị trường cho những sáng kiến từ nội bộ công ty lẫn bên ngoài công ty, họ sẽ là người chiến thắng.
|
Công ty phải kiểm soát tốt các tài sản trí tuệ (IP) để các đối thủ cạnh tranh không thể khai thác, lợi dụng được từ ý tưởng của họ.
|
Công ty nên thu tiền từ việc người khác sử dụng tài sản trí tuệ của họ, cũng như nên mua các tài sản trí tuệ của bên khác nếu có nhu cầu sử dụng.
|
Cơ chế của ĐMST mở
Cơ chế của ĐMST mở gồm 2 vấn đề cơ bản: cơ chế ĐMST từ ngoài vào và cơ chế ĐMST từ trong ra.
Cơ chế ĐMST từ trong ra ngoài có thể hiểu là việc các công ty đưa những ý tưởng chưa được sử dụng và chưa tận dụng hết ra bên ngoài tổ chức, cho phép doanh nghiệp khác sử dụng trong mô hình kinh doanh của họ.
Cơ chế ĐMST từ ngoài vào bao gồm tất cả các hoạt động tìm nguồn cung ứng công nghệ bên ngoài (startup, chuyên gia, các viện đào tạo…) nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp.
Cơ chế của ĐMST Mở (Nguồn: Ủy ban châu Âu - EC).
Nền tảng ĐMST mở
Ngày nay, không chỉ các nghiên cứu về chủ đề mở phát triển theo cấp số nhân, mà các hình thái của ĐMST mở thường xuyên được nghiên cứu và tận dụng để tìm kiếm, chỉnh sửa và thúc đẩy ĐMST trong nội bộ doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau. Trong đó, nền tảng ĐMST mở (OIP) là một nền tảng trực tuyến giúp chủ thể sở hữu vấn đề (doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, chính phủ) tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại của họ bằng cách kết nối với những cá nhân, nhóm có thể giải quyết vấn đề (nhóm khởi nghiệp ĐMST).
Cơ chế cơ bản của nền tảng ĐMST được bắt đầu từ việc các công ty lớn phát hiện nhu cầu trong thị trường; sau đó, thay vì nghiên cứu và phát triển ý tưởng trong nội bộ, doanh nghiệp đi tìm các nguồn ý tưởng ĐMST ở bên ngoài, đặc biệt là từ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các công ty nhỏ và vừa, nhằm tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo và đột phá hơn. Đây là cơ hội để họ phát triển những sản phẩm mới, đáp ứng chính xác nhu cầu thị trường.
Đối với từng chủ thể trong hệ sinh thái, nền tảng ĐMST mở mang lại những lợi ích khác nhau.
Đối với chính phủ, nền tảng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong hệ sinh thái, cụ thể hơn, đó là việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp, hình thành một môi trường mà trong đó các doanh nghiệp liên kết giúp đỡ nhau, cổ vũ cho sự phát triển của công nghệ.
Đối với công ty, đây không chỉ là cơ hội để họ tìm ra các giải pháp hữu dụng cho những vấn đề hiện tại mà còn là nơi để họ tìm ra khả năng hợp tác với những chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường. Trong đó, phải kể đến những lợi ích như: cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và các khách hàng tiềm năng, được hỗ trợ, tư vấn, cố vấn, đào tạo với các chuyên gia giàu kinh nghiệm và trên hết là những hợp đồng và cơ hội hợp tác (nếu họ giải quyết và giành chiến thắng thử thách đề ra).
Một số mô hình nền tảng ĐMST mở thành công trên thế giới
P&G Connect+Develop - nền tảng do khối tư nhân phát triển: lý do hình thành nền tảng Connect+Develop của P&G đến từ việc doanh số bán hàng của họ liên tục giảm trong những năm 90 của thế kỷ trước. Công ty nhận ra rằng, việc phải lắng nghe bên ngoài để có những đổi mới trong một thị trường cạnh tranh cao và biến động nhanh là vô cùng cần thiết. Nếu có một ý tưởng hoặc công nghệ mới nhiều tiềm năng, P&G sẽ làm việc cùng với người tạo ra ý tưởng để phát triển nó thành một sản phẩm có thể bán được trên thị trường.
Connect+Develop là cách tiếp cận của Procter và Gamble (P & G’s) để nghiên cứu và phát triển kết nối với bên ngoài. Trang web Connect+Develop hoạt động như “cánh cửa đến với thế giới” của công ty, cho phép các ý tưởng ĐMST trên toàn thế giới được gửi đến. Đây là một không gian giải quyết vấn đề mở vì tại đây, bất kỳ chủ thể nào cũng có thể giải quyết những thách thức mà P&G đề ra hoặc thậm chí họ có thể đề xuất những thách thức mới. Ngoài ra, đây cũng là một cổng thông tin để khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và P&G nhờ vào việc tìm ra các cách tiếp cận vấn đề mang tính khả thi và có nhiều khả năng thành công.
Trong đó, sẽ có một nhóm phụ trách quá trình gửi ý tưởng đến nền tảng và quản lý các mối quan hệ với các bên tham gia. Ngoài ra còn có một nhóm xem xét và đánh giá mọi ý tưởng được gửi qua trang web. Bất kỳ ai trên toàn thế giới đều có thể gửi ý tưởng thông qua trang web, bao gồm các công ty lớn khác, công ty nhỏ và vừa, doanh nhân, học viên và nhóm nghiên cứu.
Việc tham gia nền tảng được đánh giá là mang lại lợi ích cho nhiều bên, nhất là khi P&G là một trong những công ty lớn nhất thế giới. Trong công ty có rất nhiều dữ liệu liên quan đến việc phát triển và tiếp thị các sản phẩm với các thương hiệu thành công như Pampers, Ariel và Tide. Do đó, việc cộng tác với công ty có thể mang lại lợi ích lớn cho một công ty nhỏ hoặc nhà phát minh. Đối với nhà phát triển hoặc chủ sở hữu nền tảng Procter and Gamble, họ hưởng lợi rất lớn từ hơn 20 ý tưởng gửi đến trang web mỗi ngày, cung cấp giải pháp cho nhu cầu mà họ đề ra trên trang web. Điều này cho phép họ tiếp cận với các công nghệ mới và các ý tưởng mới từ người dùng. Lợi ích cho người tham gia cũng rất lớn khi họ có thể đưa ra nhiều các ý tưởng khác nhau. Nếu một ý tưởng không phù hợp với bất kỳ danh mục nhu cầu nào, P&G vẫn sẽ chấp nhận và đánh giá ý tưởng đó. Nếu ý tưởng phù hợp, P&G sẽ đề nghị hợp tác và hướng tới lợi ích đôi bên. Trong hơn 10 năm kể từ khi ra mắt, Connect+Develop đã phát triển hơn 2.000 quan hệ đối tác toàn cầu, cung cấp hàng chục sản phẩm đột phá cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển ĐMST và tăng năng suất cho cả P&G và các đối tác.
Một ví dụ rất thành công là kem chống lão hoá Olay Regenerist cộng tác với Công ty Sederma của Pháp. Công ty này đã chia sẻ công nghệ sửa chữa vết thương của họ với P&G và cùng nhau phát triển loại kem này. Olay Regenerist đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu, vượt qua những loại kem đắt tiền nhất.
Local Motors: Local Motors bắt đầu với cộng đồng ĐMST mở thông qua nền tảng Co-Create. Các phương tiện giao thông được thiết kế sau đó được sản xuất thông qua công nghệ in 3D. Phần quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm của Local Motors là nền tảng ĐMST hoàn toàn mở của họ. Thậm chí không cần phải đăng ký vào trang web nền tảng của họ để xem các thiết kế mới mà cộng đồng đã thực hiện.
Giống như hầu hết các công ty đổi mới mở khác, các đổi mới được hình thành thông qua các thách thức ĐMST mở. Năm 2015, Local Motors đã có một cuộc thi mang tên “Urban Mobility Challenge: Berlin 2030”, với mục đích là hình dung ra tương lai của giao thông vận tải ở Berlin. Một năm sau, một trong những giải pháp giao thông trong khuôn khổ thử thách đã được ứng dụng vào thực tiễn. Đó là xe buýt thông minh tự lái Oli. Người dùng có thể chọn các tuyến đường của mình thông qua Olli hoặc thậm chí tạo các tuyến đường mới. Olli hiện cũng đã xuất hiện trên các đường phố của Washington D.C (Hoa Kỳ).
Demola Phần Lan - nền tảng ĐMST mở của khối các trường đại học: trong khuôn khổ chiến lược đổi mới của Phần Lan năm 2008, Tampere - một thành phố ở miền Nam Phần Lan đã triển khai chương trình Creative Tampere với mục tiêu tạo ra các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, chương trình Creative Tampere tài trợ 200.000 bảng mỗi năm cho việc phát triển Demola - một nền tảng đổi mới mở, cho phép sinh viên từ ba trường đại học trong thành phố và các công ty, tập đoàn dễ dàng hợp tác, tạo ra những dịch vụ và sản phẩm mới.
Sau 2 năm triển khai, nền tảng này đã thu hút được sự tham gia của hơn 500 sinh viên, trong đó 30% là sinh viên quốc tế và 72% có định hướng trở thành doanh nhân. Trong tổng số 110 dự án hợp tác trên nền tảng, 96% được cấp phép để triển khai thực tế. Nền tảng Demola cũng thắng giải “ĐMST trong khu vực” năm 2010, bình chọn bởi Hội đồng châu Âu. Yếu tố đem lại sự thành công của Demola là nó hoạt động trên phạm vi toàn thành phố với sự tham gia của ba trường đại học. Tuy rằng dự án hoạt động với ngân sách vô cùng hạn chế, nó đã thành công trong việc thúc đẩy vai trò trung tâm của học sinh, sinh viên. Họ cam kết làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tạo ra các giải pháp khả thi với sự hỗ trợ của các cố vấn trong ngành và nhân viên Demola. Để duy trì sự bền vững và tiếp tục phát triển Demola, các trường đại học đã tích hợp Demola vào cấu phần môn học, từ đó mang đến cho sinh viên từ tất cả các trường đại học địa phương cơ hội làm việc đa ngành với sự hỗ trợ từ các giáo sư và chuyên gia, doanh nhân hàng đầu. Bên cạnh đó, Demola là một điển hình quan trọng vì nó tạo ra một nền tảng trung lập, không dựa trên bất kì đối tác hay trường đại học cụ thể nào, kích thích hàm lượng ĐMST mở của các công ty và sự tham gia của sinh viên.
Nền tảng ĐMST mở của Singapore: với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số để tận dụng các cơ hội mới cho nền kinh tế, Chính phủ Singapore nhận thấy cần phải đẩy nhanh tốc độ ĐMST trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông thông tin (ICM). Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin Singapore - IMDA (cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực ICM) nhận thấy rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty mới thành lập không có đủ nguồn lực, công nghệ và chuyên môn để đổi mới và giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành và toàn cầu. Không chỉ vậy, các công ty nhỏ hơn còn gặp vấn đề trong việc tìm đối tác để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo. Do đó, IMDA đã phát triển nền tảng ĐMST mở OIP.
Về phía cung ứng, IMDA làm việc với các công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, các nhà nghiên cứu và các cá nhân. Ngoài ra, IMDA cũng làm việc với Viện nghiên cứu (RIs) và Viện nghiên cứu đại học (IHL) để khai thác chuyên môn nghiên cứu nếu có liên quan. Về phía nhu cầu, “chủ sở hữu vấn đề” bao gồm hiệp hội thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan chính phủ và công ty công nghệ. Thông qua OIP, các “chủ sở hữu vấn đề” sẽ có thể khai thác một mạng lưới những công ty, chuyên gia tài năng để giải quyết những thách thức và vấn đề kinh doanh của họ. Việc này giúp đẩy nhanh quy trình giải quyết vấn đề và tăng cơ hội tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn.
Với quan điểm đó, IMDA đưa ra ba cấp độ cho các thách thức về ĐMST mở: cấp doanh nghiệp, lĩnh vực và toàn cấp. Sau thời gian triển khai, sáng kiến nền tảng ĐMST mở của IMDA đã ghi nhận những thành công nhất định. Hơn 123 thử thách đã được đưa ra trên nền tảng, với 27 giải pháp được thử nghiệm. Tổng số lượng giải thưởng dành cho các đội thi lên đến 3,2 triệu USD, trong đó có 630.000 USD là số vốn được cung cấp cho các đội.
Trong số các thử thách được cung cấp trên nền tảng, phải kể những điển hình thành công như thử thách “Panasonic Deep Tech Innovation Challenge” tổ chức bởi tập đoàn Panasonic, ICMG và ACE. Thử thách là nỗ lực của Panasonic để tìm kiếm và cộng tác với các doanh nghiệp nội địa, nhằm đưa đến những phát kiến có tính xã hội. Các công nghệ trong thử thách bao gồm công nghệ Cảm biến mùi của Panasonic và công nghệ cảm biến khí qua da của Panasonic. Sau mùa đầu tiên, thử thách đã thu hút được 32 hồ sơ và chọn ra 2 người chiến thắng. Cụ thể, Cogniant.co là nền tảng theo dõi bệnh nhân từ xa, đặc dụng cho các bệnh mãn tính. Cogniant.co sử dụng phân tích hành vi để theo dõi kết quả và giúp người sử dụng phòng ngừa các bệnh này. Tham gia thử thách, Cogniant.co có cơ hội đồng hành cùng Panasonic để đồng tạo ra các phép đo mức độ căng thẳng thông qua dữ liệu sức khỏe.
ĐMST mở ở Việt Nam
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mặc dù khu vực Đông Á là cái nôi của nhiều cái tên nổi bật trong lĩnh vực ĐMST nhưng dữ liệu báo cáo cho thấy trừ Trung Quốc, chỉ số ĐMST của các nước trong khu vực thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. Khu vực này cũng đang tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới.
Chuyên gia kinh tế Xavier Cirera, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết, bên cạnh một số ví dụ đáng chú ý, đại đa số các công ty tại các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á không có nhiều hoạt động nghiên cứu và đổi mới. Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng - hỗ trợ một lượng lớn các công ty áp dụng các công nghệ mới, đồng thời cho phép các công ty đã đạt trình độ phát triển cao thực hiện các dự án đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn.
Trước thực tế này, tại Việt Nam đã bước đầu hình thành hoạt động ĐMST mở và đã có một số hoạt động điển hình sau:
Chương trình Thúc đẩy ĐMST và đầu tư công nghệ trong nông nghiệp - GRAFT Challenge 2021: hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Innovation kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. GRAFT Challenge Vietnam được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp triển vọng trên toàn cầu tiếp cận thị trường Việt Nam, đưa công nghệ vào ứng dụng thực tiễn và giải quyết những thách thức cấp bách nhất của ngành nông nghiệp.
GRAFT Challenge Vietnam đã hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực trồng trọt, thuỷ sản và chăn nuôi để xác định những thách thức riêng mà mỗi nhóm ngành phải đối mặt. Từ đó, Chương trình mở đơn kêu gọi đăng ký và nhận được các giải pháp đột phá từ các công ty công nghệ nông nghiệp đến từ 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Israel, Australia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Đến tuần đầu tháng 8/2021, chương trình đã lựa chọn được 9 giải pháp đa dạng như ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) tích hợp để cải thiện chất lượng nước trong hệ thống nuôi trồng thủy sản, sử dụng vi sinh vật thân thiện với môi trường để quản lý sức khỏe cây trồng, hệ thống giám sát và kiểm soát vi khí hậu để tăng cường tính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi… 9 giải pháp này sẽ nhận được tư vấn từ mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, những người sẽ đưa ra đánh giá kỹ thuật chi tiết về những giải pháp công nghệ khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Chương trình sẽ kết thúc với một chuyến khảo sát thực tế và kết nối hợp tác kéo dài một tuần với các tập đoàn nông nghiệp Việt Nam.
Thử thách công dân số 2021 - Youth Digital Citizen Challenge 2021: với mong muốn khuyến khích thanh niên phát triển bộ giải pháp gồm sản phẩm hoặc dịch vụ có ứng dụng công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Thành đoàn Hà Nội, và Cung Thanh niên Hà Nội đã phát động cuộc thi Thử thách công dân số 2021 - Youth Digital Citizen Challenge 2021 vào ngày 15/07/2021. Đối tượng tham gia bao gồm các bạn sinh viên, lập trình viên, nhà thiết kế, nhà khởi nghiệp... từ 18-30 tuổi tại Việt Nam, không giới hạn vị trí địa lý, dân tộc, có ý tưởng và khả năng trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, khởi nghiệp, hoặc các lĩnh vực thuộc đề bài của cuộc thi (dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tài nguyên và môi trường).
Ba đội thắng cuộc sẽ nhận được những phần thưởng có tổng giá trị tiền mặt là 70.000.000 đồng cùng gói không gian làm việc chung tại The HUB Global và rất nhiều phần quà có giá trị khác đến từ các đối tác, nhà tài trợ. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ĐMST và sự tham gia vào công tác quản trị công của thanh niên, thông qua việc nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác đa phương và áp dụng các sáng kiến của thanh niên trong việc xây dựng một chính phủ điện tử hiệu quả. Cuộc thi cũng đồng thời tạo ra đối thoại đa phương giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Các sáng kiến trong cuộc thi nếu đạt chất lượng sẽ được triển khai thí điểm tại Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Kết luận
Hiện nay, nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam đang gặp khó khăn với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Việc chỉ dựa vào nguồn lực trong công ty không còn phù hợp để họ có thể dễ dàng bắt kịp với các thay đổi, đổi mới hiện nay. Do vậy, nhu cầu tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Trong đó, một trong những hình thái của ĐMST mở - nền tảng ĐMST mở, là một trong những mô hình mang tính hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Nền tảng không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận đến những cơ hội làm việc, hợp tác mới trong hệ sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://sloanreview.mit.edu/article/the-era-of-open-innovation/.
2. https://www.viima.com/blog/16-examples-of-open-innovation-what-can-we-le arn-from-them.
3. https://www.viima.com/blog/16-examples-of-open-innovation-what-can-we-learn-from-them.
4.https://sgtechcentre.undp.org/content/sgtechcentre/en/home/blogs/singapores-open-innovation-by-imda-powering-an-innovation-ecosytem.html.
5. https://ub-cooperation.eu/pdf/3.pdf.
6. https://sifted.eu/articles/public-organisations-open-innovation/.