Thứ tư, 04/08/2021 11:14

Nguy cơ từ ô nhiễm thuốc trừ sâu trên thế giới và Việt Nam

Thuốc trừ sâu, diệt cỏ và diệt nấm đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong hơn 5 thập kỷ qua như một biện pháp bảo vệ thực vật trong nông nghiệp thâm canh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, những tác hại trực tiếp, ngắn hạn và lâu dài về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, diệt cỏ lên môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận. Một nghiên cứu quy mô lớn ở châu Âu và Úc năm 2013 [1] đã cho thấy, sự có mặt của thuốc trừ sâu trong nước ngọt với nồng độ dưới ngưỡng cho phép của EU có thể làm suy giảm tới 42% đa dạng thành phần các nhóm sinh vật của thủy vực.

Gần đây, nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature Geoscience [2] cho thấy rõ hơn về nguy cơ về ô nhiễm các loại thuốc trừ sâu ở quy mô toàn cầu. Cụ thể, nghiên cứu này đã tiến hành phân tích rủi ro môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí của hơn 90 loại thuốc (active ingredient - AI) được sử dụng phổ biến nhất trong nông nghiệp nhưthuốc diệt cỏ, trừ sâu và nấm.  Kết quả nghiên cứu cho thấy, 64% đất nông nghiệp trên toàn cầu (tương đương với khoảng 24,5 triệu km2) có nguy cơ ô nhiễm bởi nhiều hơn 1 loại AI (thuốc trừ sâu/diệt cỏ/diệt nấm), trong đó 31% (tương đương 12,1 triệu km2) có mức độ rủi ro cao về ô nhiễm AI. Đặc biệt, 20,9%, tức là hơn 1/5 đất nông nghiệp trên toàn cầu bị ô nhiễm >10 AI cùng một lúc. Những khu vực bị ô nhiễm nhiều loại AI cùng một lúc có thể xảy ra tương tác cộng hưởng giữa các loại AI này để gia tăng ảnh hưởng có hại lên khu hệ sinh vật và môi trường bản địa.

Nếu phân tích chi tiết theo từng khu vực thì châu Á có mức độ ô nhiễm cao nhất, trong đó đứng đầu là Trung Quốc (2,9 triệu km2), sau đó là Kazakhstan (0,35 triệu km2). Châu Âu có 61,7% đất nông nghiệp được xếp vào dạng nguy cơ ô nhiễm AI cao, trong đó Nga, Ukraina và Tây Ban Nha là những nước có diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm AI rộng nhất. Châu Úc có mức độ ô nhiễm AI thấp nhất.

Khi xem xét ô nhiễm AI trong mối tương quan với nguồn nước ngọt và kinh tế - xã hội thì 0,69 triệu km2 đất nông nghiệp bị ô nhiễm bởi hỗn hợp các loại AI cũng là nơi có mức độ khan hiếm nước ngọt. Trong số này 20,1% diện tích nằm ở các nước có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp.

Khi xem xét mức độ ô nhiễm AI trong mối tương quan với mức độ đa dạng sinh học ở các khu vực cho thấy, 34,1% diện tích khu vực đất nông nghiệp có nguy cơ ô nhiễm AI cao cũng là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, đó là những khu vực chiếm tới 75% đa dạng sinh học động vật có xương sống bậc cao như chim, thú, lưỡng cư và bò sát. Những điểm nóng về nguy cơ ô nhiễm AI và đa dạng sinh học gồm có Trung Quốc, Australia, Guatemala và Chile.

Trong nghiên cứu này, Việt Nam xếp thứ 9/30 nước trên thế giới về chỉ số có mức độ đa dạng sinh học cao và có nguy cơ ô nhiễm cao bởi hỗn hợp các loại AI. Điều này cũng phù hợp với cảnh báo về ô nhiễm thuốc trừ sâu ở Việt Nam trong một báo cáo trên Science vào năm 2013 [3].

Đinh Khương (tổng hợp)

[1] M.A. Beketov, et al. (2013), "Pesticides reduce regional biodiversity of stream invertebrates", Proc. Natl. Acad. Sci. U.S.A, 110, pp.11039-11043.

[2] F.H.M. Tang, et al. (2021), "Risk of pesticide pollution at the global scale", Nat. Geosci., 14, pp.206-210.

[3] D. Normile (2013), "Vietnam turns back a 'tsunami of pesticides", Science, 341, pp.737-738.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)