Ung thư cổ tử cung - Thực trạng báo động
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng hàng thứ tư trong các loại ung thư ở phụ nữ. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. HPV là virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới với khoảng 80% phụ nữ bị mắc nhiễm ở tuổi 50. Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV dai dẳng đều dẫn đến nguy cơ ung thư cổ tử cung hoặc mụn cóc sinh dục.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 trong số các bệnh ung thư và đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 15-44 tuổi. Thống kê cho thấy, ở Việt Nam cứ hơn 1.000 phụ nữ thì có 2 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, trong đó có rất nhiều trường hợp không chữa khỏi và tử vong do tế bào ung thư ở giai đoạn cuối, chúng đã xâm lấn và di căn sang các bộ phận khác. Đây là một thực trạng báo động tại Việt Nam. Để hạn chế và điều trị căn bệnh này, phương pháp sàng lọc HPV bằng sinh học phân tử đã được nhiều quốc gia nghiên cứu và phát triển.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả
Hiện nay, đã có nhiều dấu ấn miễn dịch được tìm ra để bổ sung cho xét nghiệm tế bào học nhằm phát hiện sớm, chính xác các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, trong số đó dấu ấn miễn dịch P16/Ki67 được đánh giá là dấu ấn đặc hiệu nhất và có giá trị nhất. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, sự bộc lộ quá mức của P16INK4a (P16) thể hiện sự biến đổi ở tế bào ký chủ do nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Trong khi đó, sự hiện diện của Ki67 trong cùng một tế bào là dấu hiệu xác nhận sự mất điều hòa chu kỳ tế bào, tế bào bình thường sẽ không đồng thời có sự biểu hiện của cả P16 và Ki67. Như vậy, xét nghiệm xác định mức độ biểu hiện của P16/Ki67 có khả năng phát hiện những bệnh nhân bị bỏ sót bởi xét nghiệm tế bào học và giảm đáng kể các trường hợp phải soi cổ tử cung không cần thiết. Phát hiện này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong quản lý bệnh nhân với những trường hợp có chẩn đoán tế bào biểu mô không điển hình (ASC/AGC) hoặc tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp (LSIL).
Đến cách thức hiệu quả trong sàng lọc ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam, hiện có nhiều phương pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, trong đó đáng kể nhất là xét nghiệm tế bào học cổ tử cung và định tuýp HPV, song chưa có nghiên cứu nào về phát hiện dấu ấn sinh học P16/Ki67 trong đánh giá các tổn thương tế bào biểu mô không điển hình và tổn thương nội biểu mô cổ tử cung để sàng lọc trước các nguy cơ tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Xuất phát từ yêu cầu đó, Công ty TNHH MTV Nhà máy Công nghệ Sinh học và Thiết bị Y tế đã đề xuất và được giao triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ protein array để sản xuất và thử nghiệm bộ kit phát hiện nhanh dấu ấn sinh học P16 và Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung” thuộc Chương trình quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương quản lý. Sau 2 năm triển khai thực hiện (2019-2020), nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả nổi bật gồm: 1) Hoàn thiện việc mua sắm và lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất protein microarray và đã làm chủ công nghệ protein microaray tại BIMEDTECH; 2) Tối ưu các điều kiện sản xuất, nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình công nghệ chế tạo bộ kit phát hiện P16 và Ki67 trong sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng công nghệ protein array; 3) Nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình xử lý bệnh phẩm và phân tích trên protein array trong sàng lọc bệnh nhân ung thư cổ tử cung; 4) Nghiên cứu và phát triển thành công bộ kit Protein Biochip nhằm chẩn đoán sàng lọc ung thư cổ tử cung với tên thương mại “BIARTTM Cervical Cancer Detection Kit” có độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán cao.
Sản phẩm chính của dự án - bộ kit “ BIARTTM Cervical Cancer Detection Kit”
Bộ kit “BIARTTM Cervical Cancer Detection Kit” được nghiên cứu và phát triển dựa trên công nghệ protein microarray để phát hiện đồng thời 2 chỉ dấu sinh học P16 và Ki67 gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Biochip là thành phần công nghệ cốt lõi của bộ kit và được phát triển dựa trên công nghệ protein microarray. Mỗi bộ kit chẩn đoán sàng lọc ung thư cổ tử cung chứa 1 đĩa microplate được bảo quản trong túi nhôm đóng gói chân không, mỗi microplate có 96 array. Biochip chẩn đoán sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung có khả năng phát hiện đồng thời 2 chỉ dấu sinh học P16 và Ki67 gây bệnh ung thư cổ tử cung trong một lần xét nghiệm và các chỉ dấu sinh học được phân bổ hợp lý trên array của một Biochip. Như vậy, khi thực hiện xét nghiệm, mỗi một mẫu bệnh phẩm sẽ được thực hiện trên 1 array với sự phân bố các đầu dò trên array. Một microplate cho phép thực hiện xét nghiệm đồng thời được 96 mẫu bệnh phẩm của 96 bệnh nhân khác nhau.
Có thể khẳng định việc thực hiện thành công dự án nêu trên đã góp phần giải quyết được vấn đề tầm soát và chẩn đoán bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm chẩn đoán có chất lượng bảo đảm với giá thành cạnh tranh, giúp người dân Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với việc tầm soát hay phát hiện bệnh bằng công nghệ cao.
ThS Nguyễn Thị Cẩm Quý, TS Phạm Thu Hằng, PGS.TS Lê Quang Thanh, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, ThS Đặng Thị Ngọc Hà