Nhu cầu của sự phát triển
Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con nguời. Trên phương diện sức khỏe, con người ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng và sự an toàn của các loại sản phẩm… Chính những nhu cầu này là kích thích tố trực tiếp thúc đẩy KH&CN phát triển và probiotic là một phần của sự phát triển ấy. Probiotic theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “dành cho cuộc sống”. Probiotic (hay còn gọi là lợi khuẩn), gồm một nhóm các vi khuẩn rất khác nhau, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loài sinh vật khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), probiotic là các vi sinh vật sống khi được đưa một lượng cần thiết vào cơ thể sẽ đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể.
Tại Việt Nam, nhu cầu về lợi khuẩn đường ruột hay các thực phẩm chức năng hỗ trợ đường tiêu hóa là rất lớn. Trên thị trường đã có các sản phẩm lợi khuẩn được sản xuất nhưng nguồn sinh khối lợi khuẩn thuộc nhóm Bifidobacterium đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Lợi khuẩn Bifidobacterium có mặt trong một số thực phẩm chức năng và sữa chua cao cấp xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, các chủng này đều có xuất xứ từ nước ngoài, được nhập khẩu về Việt Nam dưới dạng chủng khởi động cho quá trình lên men sữa hoặc sản phẩm sinh khối để phối trộn sản xuất thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa.
Lý do chính chưa chủ động sản xuất được sinh khối của vi khuẩn Bifidobacterium tại Việt Nam là do chúng sinh trưởng ở điều kiện kỵ khí nghiêm ngặt, quy trình lên men thu hồi và tạo sản phẩm từ Bifidobacterium đòi hỏi kỹ thuật và thiết bị rất phức tạp. Theo ghi nhận, việc nghiên cứu và sản xuất các sinh phẩm chứa Ptobiotics nói chung gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định. Một số viện nghiên cứu, trường đại học đã bắt đầu nghiên cứu , tuy nhiên mới chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm. Việc nâng cấp lên quy mô công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất như nhà xưởng, thiết bị. Chính vì vậy, sản xuất sinh khối trong nước đảm bảo chất lượng để đưa vào sử dụng hiện đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học trong nước.
Làm chủ công nghệ sản xuất và thương mại hóa sản phẩm
Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Công Thương đã đặt hàng Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội thực hiện dự án “Sản xuất sinh khối Probiotic từ vi khuẩn Bifidobacterium sử dụng trong công nghiệp dược phẩm” thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Sau 3 năm (2017-2020) nghiên cứu và sản xuất, dự án đã sản xuất thành công bột sinh khối Bifidobacterium và sản phẩm hỗ trợ duy trì vi sinh đường ruột - BIOFIDA.
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tổ chức nghiên cứu, sản xuất. Để sản xuất chủng vi sinh vật Bifidobacterium, bên cạnh vấn đề công nghệ, các tiêu chuẩn về thiết bị, nhà xưởng cũng đòi hỏi khắt khe. Với hệ thống thiết bị, quy trình công nghệ được đầu tư hiện đại, Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã làm chủ công nghệ và sản xuất thành công chủng vi khuẩn Bifidobacterium giúp hỗ trợ duy trì vi sinh đường ruột có tên gọi BIOFIDA. Đây là sản đầu tiên sản xuất trong nước với nguồn nguyên liệu hoàn toàn nội địa. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng sản phẩm, Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã sáng tạo chức năng bao gói thông minh cho sản phẩm BIOFIDA. Theo đó, phần nước pha và bột probiotics được tách biệt nhờ một bộ phận đựng riêng ngay dưới miệng hộp. Khi xoay nắp, bột probiotics rơi xuống sẽ hòa tan với nước tạo thành dung dịch dễ hấp thu. Điều này khiến sản phẩm tiện lợi, hương vị hấp dẫn hơn hẳn dạng bột hiện đang bán trên thị trường. Đặc biệt, sự tách biệt giữa nước và bột probiotics trong quá trình bảo quản còn giúp duy trì sự ổn định của lợi khuẩn, cho phép phối hợp thêm các thành phần dinh dưỡng khác trong chế phẩm như vitamin, các nguyên tố vi lượng. Đây là công nghệ đóng gói tiên tiến tương đương với sản phẩm của Đức.
Bên cạnh nguồn ngân sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương để phát triển sản phẩm, đến nay Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã chủ động nguồn kinh phí gấp khoảng 10 lần kinh phí được cấp để đầu tư hệ thống thiết bị, nhà xưởng phục vụ phát triển sản phẩm. Đây cũng chính là thành công của Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương khi đã tìm ra các hướng đi thiết thực và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư kinh phí và ứng dụng công nghệ nhằm đưa thị trường sản phẩm chất lượng cao.
Có thể khẳng định, việc xây dựng thành công quy trình sản xuất chủng Bifidobacterium “made in Vietnam” ứng dụng trong các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe người Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm tiến tới chủ động và ổn định nguồn Bifidobacterium cho nhu cầu trong nước, đồng thời giảm giá thành các loại sản phẩm chứa vi khuẩn này trên thị trường qua đó góp phần nâng cao sức khỏe người Việt.
Nhằm thương mại hóa sản phẩm, Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã triển khai giới thiệu bột sinh khối Bifidobacterium đến các doanh nghiệp dược trong nước. Đối với sản phẩm BIOFIDA, Công ty đã thực hiện phân phối thông qua các bệnh viện, nhà thuốc, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh doanh qua các kênh bán hàng online, trường học. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục xây dựng chiến lược để thực hiện chiến dịch truyền thông quảng cáo các sản phẩm để sản phẩm được phổ biến rộng hơn trong thị trường nội địa.
Nguyễn Thanh Bình