Để thực hiện và công bố Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2021, Times Higher Education đã sử dụng bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 nhóm giảng dạy (30%), nghiên cứu (30%), chỉ số trích dẫn (30%), thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và triển vọng quốc tế (2,5%). Với cách đánh giá như vậy, những cơ sở giáo dục đại học không phải là đại học nghiên cứu hoặc không mạnh về nghiên cứu khó có thể có mặt trong Bảng xếp hạng này.
Năm 2021, có 551 cơ sở giáo dục thuộc 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á được THE xếp hạng, trong khi năm 2020 chỉ có 500 trường, trong đó Việt Nam tiếp tục có 3 cơ sở giáo dục của trong bảng xếp hạng này.
Top 5 đại học đứng đầu châu Á là Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), thứ 2 là Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), thứ 3 là Đại học Quốc gia Singapore, thứ 4 là Đại học Hong Kong như kết quả xếp hạng năm 2020, thứ 5 là Đại học Kỹ thuật Nanyang, (Singapore).
Trong khu vực Đông Nam Á, Singpore có 2 cơ sở tham gia xếp hạng nhưng đều ở vị trí top đầu bảng xếp hạng. Thái Lan có 17 trường có mặt trong Bảng xếp hạng THE châu Á 2021 (tăng 1 so với năm 2020); Đại học Mahidol vẫn đứng đầu ở Thái Lan với vị trí 130 ở châu Á (122 năm 2020). Malaysia cũng có thêm 2 trường đại học được xếp hạng trong năm nay, nâng tổng số lên thành 15 trường đại học, trong đó Đại học Malaya đứng đầu ở Malaysia với thứ hạng 49 ở Châu Á (43 năm 2020), Indonesia có 9 trường được xếp hạng trong năm nay (tăng 3 so với năm 2020). Philippines có 2 trường tham gia xếp hạng, trong đó Đại học Philippines đứng đầu ở Philippines và 84 ở châu Á (65 năm 2020).