Thứ hai, 31/05/2021 10:39

Định danh tư tưởng Việt Nam

“Định danh tư tưởng Việt Nam” sẽ là chủ đề của buổi tọa đàm lần thứ 12 do Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL-TALK 12) dự kiến tổ chức vào 14h00 ngày 3/6/2021.

Việc khái quát hóa truyền thống tư tưởng của một cộng đồng, nhất là một cộng đồng đa chủng tộc với 54 ngôn ngữ và truyền thống văn hóa khác nhau, liệu có cơ sở khoa học hay không? Nếu có, liệu có cái gọi là tư tưởng Việt Nam hay không, khi trong suốt lịch sử văn hiến hàng nghìn năm, người Việt không có những công trình triết lý - tư tưởng của riêng mình?

Vấn đề tư tưởng Việt Nam không phải là chưa bao giờ được đặt ra. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các tác giả chỉ đề cập đến tư tưởng Việt Nam như là một phần của những công trình về văn hóa, lịch sử hoặc lịch sử văn hóa, của các học giả tiền bối, như Đào Duy Anh, Nguyễn Hồng Phong, Cửu Long Giang, Toan Ánh, Kim Định… cũng như các tác giả gần chúng ta hơn như Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Phan Ngọc… Trong một số công trình khác, việc nghiên cứu tư tưởng Việt Nam bị đồng nhất với sự nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài.

Trong số không nhiều những công trình nhắm tới việc khảo sát một các hệ thống và toàn diện truyền thống tư tưởng Việt Nam, bộ Lịch sử tư tưởng Việt Nam Nguyễn Đăng Thục. Tuy nhiên, mặc dù nỗ lực của tác giả là cực kỳ đáng trân trọng, đây là một công trình đồ sộ về “lịch sử” tư tưởng Việt Nam chứ không hẳn là về “tư tưởng” Việt Nam - điều này cũng đúng với các công trình Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Nguyễn Tài Thư - Lê Sĩ Thắng chủ biên), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam của Nguyễn Trọng Chuẩn và Đại cương lịch sử triết học Việt Nam của Nguyễn Hùng Hậu… Định danh cũng là để nêu bật đặc sắc tư tưởng của người Việt.

Buổi nói chuyện của TS Ngô Tự Lập tại VSL-TALK 12 hứa hẹn sẽ mang tới nhiều chia sẻ thú vị về những điểm nổi bật trong tư tưởng của người Việt.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)