Thứ năm, 27/05/2021 10:13

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý tài sản đường bộ

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý tài sản đường bộ là nhiệm vụ đặt ra đối với lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây cũng là vấn đề đặt ra, được trao đổi tích cực tại hội thảo Dự án Quản lý tài sản đường bộ lần thứ 3 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), mạng lưới đường bộ tại Việt Nam, đặc biệt là đường quốc lộ trải dài theo dọc đất nước từ Bắc vào Nam với chiều dài hơn 25.000 km, bao gồm các nhóm công trình cầu, công trình đường bộ và các nhóm công trình khác đa dạng về quy mô, chủng loại, kích thước, kết cấu, cấp kỹ thuật cũng như cấp quản lý...

Với sự phát triển của kinh tế xã hội, số lượng các công trình đường bộ ngày một nhiều hơn, kết cấu phức tạp hơn, đòi hỏi công tác tổ chức quản lý phải ngày càng chuyên nghiệp, có hệ thống và khoa học. Ngoài ra, đây đều là tài sản quốc gia có giá trị rất lớn trong xây dựng và bảo trì, cần huy động một lượng lớn nhân lực của xã hội. Do vậy, việc xây dựng hệ thống quản lý tài sản đường bộ (thuộc Hợp phần A - Dự án Hệ thống quản lý tài sản đường bộ (VRAMP) do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ với cơ sở dữ liệu lớn mang tính hệ thống và đồng bộ là công việc hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

VRAMP khi xây dựng thành công sẽ góp phần chuyển đổi cách thức trong quản lý tài sản đường bộ trước đây sang quản lý bằng dữ liệu số, cho phép tìm kiếm, tổng hợp, kiểm đếm, phân loại, quản lý một cách khoa học, theo thời gian lịch sử, tính thống nhất nguồn dữ liệu, xác định giá trị tài sản. Hệ thống có các chức năng hỗ trợ công tác lập kế hoạch nguồn vốn đầu tư, bảo trì hàng năm, trung hạn… nhằm minh bạch, công khai, đảm bảo phù hợp với xu hướng số hóa, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hoàng Thạch
 


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)