Thứ sáu, 21/05/2021 09:13

Vai trò và đóng góp của nữ đại biểu dân cử

Hiện nay, tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV chính thức hiện đã đạt 45,28%, tăng 6,51% so với con số này tại khóa XIV. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ ứng cử viên ở cấp Trung ương, cấp hoạch định chính sách chỉ ở mức 22,43%. Đây là những con số được đưa ra tại buổi báo cáo chuyên đề “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19/5/2021.

Buổi báo cáo chuyên đề được tổ chức trực tuyến thông qua phần mềm Zoom.

Báo cáo “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” được đồng thực hiện bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan; với sự đồng tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện điều tra phiếu hỏi với 248 đại biểu Quốc hội Khóa XIV (50% số đại biểu Quốc hội) và 136 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh của 3 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ. Hai mục đích được hướng tới của nghiên cứu là: i) Đánh giá vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; 2) Đưa ra một số đề xuất chính sách và thực tiễn hướng tới bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026 và hướng tới 2030.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV chính thức hiện đã đạt 45,28%, tăng 6,51% so với con số này tại khóa XIV. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ ứng cử viên ở cấp Trung ương, cấp hoạch định chính sách chỉ ở mức 22,43%. Trong khi đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII) đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp (cấp ủy viên từ 20-25% là nữ; Đại biểu Quốc hội). Điều này đòi hỏi có những biện pháp chính sách để gia tăng tỷ lệ nữ tham vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021” chính là một nỗ lực nhằm cung cấp các dữ liệu và bằng chứng, làm cơ sở, luận cứ để các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Nghiên cứu khuyến nghị, cần có những chính sách, lộ trình cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII). Để đạt được mục tiêu đó, báo cáo đề xuất đã đến lúc Việt Nam đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ ứng cử viên với nữ phải đạt từ 45% trở lên. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để nữ giới có năng lực và phẩm chất tự ứng cử nhằm tăng cường chất lượng ứng cử viên nữ.

Trần Minh


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)