Nhằm góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho các vùng khô hạn đặc biệt khan hiếm nước vào mùa khô, đề tài “Tăng cường hiệu quả giải pháp bổ cập và dâng cao mực nước ngầm giải quyết khó khăn về nước cho mùa hạn trong các thành tạo bazan khu vực Tây Nguyên”, mã số TN16/T02 thuộc Chương trình Tây Nguyên đã được thực hiện từ tháng 12/2016. Trên cơ sở phân tích thông tin của các công trình thuộc mạng quan trắc quốc gia giai đoạn 2010-2018, đề tài đã đánh giá được hiện trạng mực nước ngầm trong các thành tạo bazan Tây Nguyên, cụ thể là độ trễ hồi phục mực nước - hiện tượng lệch pha trong các bồn bazan, so sánh mực nước ngầm với các năm trước, tốc độ hạ thấp mực nước ngầm, diễn biến mực nước ngầm theo mùa và theo không gian các cao nguyên bazan. Qua nghiên cứu, đề tài đã xác định được các đới/khu vực có năng bổ cập và dâng cao mực nước ngầm, qua đó đề xuất các giải pháp bổ cập gồm: thu gom nước mưa; thu gom nước từ các dòng chảy thường xuyên; thu gom nước mưa tích hợp cải thiện vấn đề lũ lụt. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp mở, khi áp dụng vào thực tiễn cần căn cứ vào các điều kiện địa chất, thủy văn, địa mạo, hiện trạng sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp. Mô hình bổ cập MAR tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gra, tỉnh Đăk Lăk được xây dựng và thử nghiệm từ cuối năm 2019 đã minh chứng cho hiệu quả của bổ cập, mực nước ngầm tăng lên rõ rệt; chất lượng nước dưới đất trước và sau khi bổ cập đều có chỉ số SAR đảm bảo cho mục đích tưới tiêu.
Đề tài TN16/T02 do TS Vũ Thị Minh Nguyệt làm chủ nhiệm đã được Hội đồng KH&CN cấp quốc gia do PGS.TS Đoàn Văn Cánh làm Chủ tịch nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu đề ra về các nội dung và sản phẩm khoa học.
SH