Thứ tư, 28/04/2021 14:56

Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo và sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập

Cao Hoàng Long, Nguyễn Thị Phương Nhung

Viện Năng suất Việt Nam

Thành lập trung tâm xuất sắc (COE) về đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những ý tưởng của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên nâng cao năng suất dựa trên ĐMST. Ấn tượng trước sự tăng trưởng về kinh tế của Việt Nam thời gian qua, APO đã đề nghị nước ta trở thành nền kinh tế thành viên thứ 5 thành lập COE về ĐMST (dưới sự tài trợ của APO) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ĐMST, duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

COE về ĐMST: ý nghĩa lớn

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - rô bốt và Internet kết nối vạn vật. Cuộc cách mạng này đang loại bỏ dần ưu thế liên quan đến kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất.

Ở góc độ vĩ mô, ĐMST giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Các hoạt động ĐMST ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm và đầu tư. Tại Việt Nam, ĐMST được xem là một trong những mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030. Xác định rõ vai trò quan trọng của ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam cần phải “nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST, phát triển và nâng cấp hệ thống ĐMST quốc gia, các trung tâm ĐMST, khuyến khích ĐMST.

Hiện tại, ĐMST được APO xem là yếu tố then chốt trong thúc đẩy năng suất tại các nền kinh tế thành viên. Tầm nhìn và Chiến lược phát triển đến năm 2025 của APO đã chỉ rõ, phát triển năng suất dựa trên ĐMST được xem là mục tiêu hàng đầu, là động lực giúp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của các nền kinh tế thành viên và trong khu vực. Ấn tượng trước các hoạt động và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đẩy mạnh hoạt động ĐMST, Tổng thư ký APO đã chính thức đề nghị Việt Nam (với tư cách là Chủ tịch APO năm 2020) trở thành nền kinh tế thành viên thứ 5 của APO có COE về ĐMST thúc đẩy năng suất. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm triển khai nhiệm vụ này tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, theo đó yêu cầu Bộ KH&CN: “Khẩn trương triển khai các dự án năng suất của APO… tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO”. Việc triển khai xây dựng COE về ĐMST thúc đẩy năng suất sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao vai trò của Việt Nam trong APO và thể hiện sự tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ KH&CN đã nhanh chóng triển khai xây dựng Đề án “Thành lập COE về ĐMST thúc đẩy năng suất”. Đến nay, các nội dung về thành lập COE đã hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đây là nỗ lực của Bộ KH&CN trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APO 2020, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mãnh mẽ của Chính phủ kiên định với mục tiêu thúc đẩy hoạt động ĐMST diễn ra trên mọi lĩnh vực, đưa Việt Nam trở thành nước ĐMST vào năm 2030.

Cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST và nâng cao năng suất

COE về ĐMST thúc đẩy năng suất sẽ là một mô hình tổ chức mới, bao gồm một nhóm chuyên gia năng suất chất lượng làm nòng cốt với sự hợp tác thường trực của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau nhằm: i) Thực hiện các nghiên cứu, tìm kiếm năng lực ĐMST có sẵn và tiềm năng trong cộng đồng doanh nghiệp; ii) Đạt được những tri thức và kỹ năng mới về ĐMST, từ đó vận dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sự đột phá về năng suất, hướng tới phát triển bền vững.

Về mô hình hoạt động, COE về ĐMST của Việt Nam dự kiến sẽ đóng vai trò là nơi kết nối các chuyên gia và tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, đánh giá trong lĩnh vực ĐMST thúc đẩy năng suất. Cụ thể:

- Vận động, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp tham gia dự án điểm thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST tại doanh nghiệp; hỗ trợ những doanh nghiệp này thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao năng suất thông qua ĐMST.

- Kết nối với chuyên gia kỹ thuật của APO và các quốc gia thành viên tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm học hỏi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về ĐMST trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất.

- Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn và ứng dụng các giải pháp ĐMST tại doanh nghiệp; thực hiện các dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới (trực tiếp hoặc thông qua các đối tác).

- Kết nối và hỗ trợ các tổ chức ĐMST, các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, doanh nhân, doanh nghiệp ĐMST trong và ngoài nước để học hỏi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực hiện ĐMST trong doanh nghiệp… 

- Tập hợp, kết nối, hỗ trợ các cơ sở ĐMST trong cả nước, các trường đại học, viện nghiên cứu; phát huy sức mạnh của cả mạng lưới, tạo ra hệ sinh thái cho các hoạt động ĐMST thúc đẩy năng suất trên phạm vi cả nước.

- Tổ chức các sự kiện về ĐMST thúc đẩy năng suất, như triển lãm, hội nghị, kết nối doanh nghiệp, để kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái ĐMST thúc đẩy năng suất.

- Đào tạo, tư vấn về các giải pháp ĐMST cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thông qua các đối tác trong hệ sinh thái

Ngoài ra, COE về ĐMST thúc đẩy năng suất sẽ kết nối thông tin với các nền kinh tế thành viên APO; xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ĐMST; tổ chức các đoàn chuyên gia đến hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trong việc xây dựng các chính sách, năng lực liên quan và đón các đoàn vào học tập và tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị liên quan cho các nền kinh tế thành viên. Mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực của COE do APO đề xuất hoặc các nền kinh tế thành viên đề xuất liên quan đến ĐMST sẽ được triển khai thông qua các COE này. Việc tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các chương trình, dự án của APO sẽ giúp tăng cường năng lực chuyên gia năng suất chất lượng Việt Nam, nhất là năng lực tiếp cận với các công cụ, giải pháp mới nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò của Việt Nam trong các nền kinh tế thành viên APO.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)