Thứ ba, 20/04/2021 09:01

Công thức nền phù hợp cho hàm lượng chất bổ sung giúp cá chim vây ngắn phát triển

Đó là kết quả quan trọng của công trình nghiên cứu: “Bổ sung β-glucan vào thức ăn đã cải thiện được tốc độ tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống chịu stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” của nhóm tác giả: Đỗ Hữu Hoàng, Huỳnh Minh Sang và Nguyễn Thị Thanh Thủy (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đăng tải trên Tạp chí Fish & Shellfish Immunology số 54 năm 2016 có chỉ số ảnh hưởng (IF) là 3.298 và được xếp hạng Q1 (vị trí 19 trong tổng số 230 tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học về nước). Đây là 1 trong 4 công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021.

Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành sản xuất phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo kết quả khảo sát, nhu cầu hải sản của con người ngày càng tăng, tuy nhiên nguồn lợi khai thác tự nhiên đang giảm sút, vì vậy nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho con người trong tương lai. Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng kháng sinh giúp nâng cao sức khỏe của vật nuôi, gia tăng sản lượng nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Để phát triển ngành thủy sản bền vững, an toàn, việc nghiên cứu tìm kiếm các chất thay thế kháng sinh là vấn đề quan trọng, được các nhà quản lý, khoa học đặc biệt quan tâm. β-glucan là một trong những chất kích thích miễn dịch mang lại hiệu quả cao đối với nhiều loài thủy sản khác nhau, đã được công bố ở nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới. β-glucan có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh trên nhiều loài thủy sản và không gây tác hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Trong nuôi trồng thủy sản, ngoài con giống thì chi phí thức ăn cũng chiếm khoảng 50-60% giá thành sản xuất. Do vậy, để giảm giá thành sản xuất, việc tìm ra công thức phối trộn các loại chất dinh dưỡng đa lượng như đạm, lipid… phù hợp là rất quan trọng.

Công thức nền cho cá chim vây ngắn phát triển

Ở Việt Nam, cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus là một đối tượng nuôi mới, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị kinh tế cao. Kích thước thương mại của cá chim vây ngắn khoảng 0,8-1 kg/con, được bán với giá 200-350 ngàn đồng/kg. Mặc dù lợi ích của β-glucan được báo cáo trên nhiều đối tượng thủy sản, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu bổ sung β-glucan trên cá chim vây ngắn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu do TS Đỗ Hữu Hoàng dẫn đầu đã thực hiện các thí nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của β-glucan đối với quá trình sinh trưởng và sức khỏe của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus.

Kết quả, các tác giả đã tìm ra công thức nền phù hợp cho thí nghiệm. Thức ăn nền phải đảm bảo các 2 tiêu chí sau: 1) Các thành phần của thức ăn nền phải có rất ít hoặc không có β-glucan; 2) Thức ăn nền phải có đủ hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu phù hợp cho sinh trưởng cá chim vây ngắn. Đặc biệt, nghiên cứu đã tìm ra và chứng minh hàm lượng chất kích thích miễn dịch cần thiết bổ sung vào thức ăn nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá chim vây ngắn. Cụ thể, hàm lượng β-glucan bổ sung giảm dần theo kích thước của cá, nghĩa là cá càng lớn thì nhu cầu về chất bổ sung càng giảm. Nếu bổ sung nhiều hơn hoặc ít hơn hàm lượng cần thiết đều đem lại kết quả không tốt cho quá trình sinh trưởng của cá chim vây ngắn. Do đó, việc bổ sung hàm lượng β-glucan phù hợp ngoài hiệu quả tăng cường sinh trưởng, còn giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí thức ăn, dẫn đến giảm giá thành chăn nuôi.

Một phát hiện khác của nghiên cứu là, bổ sung β-glucan phù hợp còn làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio có trong ruột cá. Các chỉ số tế bào máu, đặc biệt số lượng lympho bào cũng tăng cao và có tương quan chặt chẽ với hàm lượng β-glucan bổ sung vào thức ăn của cá. Các kết quả này ngoài việc khẳng định hiệu quả của β-glucan đối với sức khỏe cá nuôi, hạn chế sự phát triển vi khuẩn gây bệnh Vibrio, còn có ý nghĩa nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàm lượng β-glucan khác nhau ở các nghiệm thức cũng cho kết quả chống chịu với môi trường của cá nuôi khác nhau. Theo đó, cá cho ăn bổ sung hàm lượng β-glucan thích hợp sẽ có khả năng chống chịu cao hơn với sự giảm độ mặn. Kết quả này có ý nghĩa thực tiễn to lớn, vì bổ sung β-glucan có thể giúp cá nuôi tăng sức chống chịu với căng thẳng môi trường, giảm tỷ lệ chết, đem lại hiệu quả sản xuất cao cho người nuôi.

TS Đỗ Hữu Hoàng và cộng sự chuẩn bị mẫu thức ăn dành cho cá chim vây ngắn.

Trong nhiều công trình nghiên cứu về chế phẩm sinh học trên cá ở Việt Nam và trên thế giới, rất ít công trình nghiên cứu tìm ra hàm lượng chất bổ sung tối ưu nhằm đem lại sinh trưởng cao nhất, giúp nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, công trình của TS Đỗ Hữu Hoàng và cộng sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Kế thừa kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đang tiến hành đánh giá hiệu quả của β-glucan lên hiệu quả sử dụng thức ăn và dinh dưỡng của cá chim vây ngắn; đồng thời đề xuất nghiên cứu ảnh hưởng của việc bổ sung kết hợp β-glucan và manan oligosaccharide lên sức khỏe và biểu hiện gen của cá chim vây ngắn. Hiện tại các nghiên cứu đang được thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia.

Mặc dù nghiên cứu này mới thực hiện ở phạm vi phòng thí nghiệm, nhưng do kết quả có ý nghĩa khoa học và tiềm năng ứng dụng tốt nên mức độ tác động của công trình trong lĩnh vực chuyên ngành là rất đáng kể. Để mở rộng phạm vi ứng dụng, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai thực nghiệm trên quy mô nông trại; đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao hiệu quả của việc bổ sung β-glucan, góp phần thúc đẩy việc nuôi cá chim vây ngắn - đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)