PGS.TS Ngô Đức Thành - Người lĩnh xướng vấn đề nghiên cứu cấp khu vực.
Biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những thách thức đương đại lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, dễ thấy tác động của biến đổi khí hậu trở nên nặng nề hơn ở các khu vực (quốc gia) kém phát triển, nơi có tiềm lực kinh tế hạn chế và có ít hơn các phương tiện/biện pháp để đối phó cũng như thích ứng trước các tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu. Do vậy, liên kết, mở rộng và hợp tác nghiên cứu liên quốc gia là một trong những phương thức tăng cường tri thức và năng lực ứng phó của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Công trình “Performance evaluation of RegCM4 in simulating extreme rainfall and temperature indices over the CORDEX-Southeast Asia region” được lĩnh xướng bởi PGS.TS Ngô Đức Thành (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cùng với 10 đồng tác giả khác đến từ 5 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có thể xem là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của cộng đồng khoa học ở các quốc gia đang phát triển trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu; ghi dấu năng lực tham gia, dẫn dắt nghiên cứu và hội nhập quốc tế để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu; là tiền đề cho các giải pháp dự báo, phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam cũng như các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á.
Công trình đã thực hiện mô phỏng và đánh giá khả năng mô phỏng khí hậu thông qua 12 chỉ số cực đoan của mưa và nhiệt độ trên khu vực Đông Nam Á với các tham số mô hình khác nhau. Tổng cộng có 18 thí nghiệm mô phỏng đã được thực hiện ở độ phân giải 36 km cho giai đoạn 1989-2007. Điểm đáng chú ý là việc chạy các thí nghiệm này đã tận dụng, phối hợp được các hệ thống tính toán hiệu năng cao của các nhà nghiên cứu tham gia từ các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, và Việt Nam cho mục tiêu nghiên cứu chung. Một chỉ số thống kê omega được tính toán và sử dụng để đo mức độ tương tự giữa 18 thí nghiệm về pha và hình dạng. Kết quả, lần đầu tiên chỉ ra khu vực lục địa Maritime (xung quanh xích đạo, bao gồm Indonesia) có độ nhạy cao hơn hẳn so với các khu vực khác đối với các sơ đồ tham số hoá khác nhau của mô hình khí hậu, đặc biệt là với sơ đồ đối lưu. PGS.TS Ngô Đức Thành và các cộng sự cũng đã tiến hành thu thập số liệu nhiệt độ và lượng mưa ngày giai đoạn 1989-2017 từ 52 trạm quan trắc khí tượng trong khu vực, từ đó so sánh với kết quả mô phỏng để xác định một số sai số hệ thống nhất định của mô hình. Một hệ thống xếp hạng (a ranking score system) được đề xuất để cho điểm khả năng mô phỏng của 18 thí nghiệm. Kết quả là thí nghiệm với sơ đồ đối lưu Emanuel của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và sơ đồ thông lượng đại dương BATS1e cho kết quả tốt nhất. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các thí nghiệm chi tiết hoá động lực có ưu thế trong việc biểu diễn các giá trị cực đoan so với giá trị biên từ mô hình toàn cầu.
PSG.TS Ngô Đức Thành trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về chủ đề nghiên cứu.
Các kết quả của công trình nghiên cứu có ý nghĩa khoa học quan trọng trong mô phỏng và tính toán khi dự tính sự biến đổi khí hậu cho tương lai ở Đông Nam Á. Đặc biệt, với việc đưa ra các tham số mô hình tốt nhất cho các thí nghiệm mô phỏng dài hạn ở khu vực Đông Nam Á, công trình đã giúp tiết kiệm được đáng kể nguồn lực và thời gian tính toán cho toàn khu vực. Trên thực tế, các thí nghiệm chạy mô hình dài hạn cho cả thế kỷ XXI với bộ tham số lựa chọn từ công trình này đã được thực hiện trong khuôn khổ dự án CORDEX-SEA (Coordinated Regional Climate Downscaling Experiments - Southeast Asia với sự tham gia của 18 viện nghiên cứu thuộc 14 quốc gia, trong đó có 7 quốc gia từ khu vực Đông Nam Á). Từ đó, nhiều kết quả nghiên cứu khác về các kịch bản biến đổi khí hậu tương lai trong khu vực đã được công bố. Công trình khoa học này cũng đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng khoa học trong lĩnh vực khi đã được trích dẫn 58 lần tính đến thời điểm tháng 4/2021.
Hải Hằng