Thứ hai, 19/04/2021 11:17

Chuyển đổi số thành công: Các doanh nghiệp cần nghĩ lớn, làm cụ thể và quyết liệt từ việc nhỏ

Tại “Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử" do Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng ngày 15/4/2021, các đại biểu phân tích những lợi ích kinh tế số, thương mại điện tử, khẳng định đây là cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, nâng cao tính đổi mới và tính lan tỏa.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế không tiếp xúc, giúp thực hiện thành công nhiệm vụ “kép”, vừa chống dịch vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi số đồng thời là nhiệm vụ của toàn xã hội để tận dụng cơ hội của thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nhằm phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, doanh nghiệp số, góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

Chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của CMCN 4.0 và cú huých tái bùng phát của dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới. Đồng thời, để thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở ra các cơ hội và giải pháp mới cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi tăng trưởng dựa trên năng suất. Đổi mới kinh doanh và số hoá là một cách thức để Việt Nam đạt được tăng trưởng năng suất cao hơn, khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn khi có cú sốc bên ngoài. Như vậy yêu cầu nắm bắt xu hướng của khoa học công nghệ nói chung và vận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đang là một yêu cầu cấp thiết.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì chuyển đổi số là tổng hòa của 5 trụ cột: văn hoá, chiến lược kinh doanh số; gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; tối ưu quy trình; công nghệ hóa; phân tích và quản lý dữ liệu. Để quá trình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, nâng cao tính đổi mới và tính lan tỏa. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược và phát triển. Đặc biệt, trong một cơ quan doanh nghiệp, lãnh đạo phải là người đi tiên phong.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những bài toán khó về chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử trong thời gian sắp tới cho doanh nghiệp.

PV


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)