Bảng phân tích hiện trạng KHCN&ĐMST được ban tổ chức đưa ra điểm mạnh và hạn chế với 4 nội dung : 1) Đối tượng phục vụ của KHCN&ĐMST (người dân - 1 mạnh, 1 hạn chế; doanh nghiệp/thị trường - 3 mạnh, 6 hạn chế; Nhà nước - 2 mạnh, 2 hạn chế); 2) Chính sách và pháp lý (văn bản định hướng - 1 mạnh, 1 hạn chế; chính sách cụ thể về KHCN&ĐMST - 1 mạnh, 11 hạn chế; bộ máy tổ chức - 1 mạnh, 3 hạn chế); 3) Năng lực và phát triển (đầu tư - 3 mạnh, 5 hạn chế; nhân lực 3 mạnh, 6 hạn chế; tổ chức - 4 mạnh, 5 hạn chế; cơ sở hạ tầng - 3 mạnh, 3 hạn chế; doanh nghiệp - 3 mạnh, 8 hạn chế; mạng lưới/kết nối - 2 mạnh, 2 hạn chế; tài sản trí tuệ - 3 mạnh, 6 hạn chế); 4) Tài chính: 1 mạnh và 5 hạn chế.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã bổ sung thêm cho hiện trạng KHCN&ĐMST của Việt Nam; phương pháp tiếp cận, định hướng xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST giai đoạn từ nay đến 2030; công cụ tài chính hỗ trợ cho KHCN&ĐMST… Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi thì Việt Nam cần sớm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy quá trình chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); bên cạnh đó, Nhà nước cần tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính, nhất là tài chính cho KH&CN cũng như có giải pháp thúc đẩy hợp tác công - tư về KHCN&ĐMST.
TS Võ Trí Thành thì cho rằng, việc xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST giai đoạn tới cần có cách tiếp cận mới, chứ không nên theo cách tiếp cận truyền thống (nêu những gì hiện trạng có và đưa ra mục tiêu theo mong muốn). Cách tiếp cận mới có thể là tiếp cận dựa trên cung - cầu, tiếp cận và đánh giá thực trạng dựa trên mục tiêu trong tương lai để tập trung nguồn lực, đánh giá thực trạng KHCN&ĐMST trong bối cảnh CMCN 4.0 và định vị trong tương lai. TS Thành cũng cho rằng chính sách của chúng ta hiện nay mới chỉ đạt được 1 vế là đặt ra mục tiêu chứ chưa hoàn thiện được vế quan trọng là đưa ra công cụ để đạt được các mục tiêu đó. Chính vì vậy, TS Thành đề nghị cần đưa công cụ tài chính vào chiến lược - một giải pháp quan trọng để đạt được những mục tiêu mong muốn.
VVH