Thứ hai, 01/02/2021 10:55

Bắc Giang: Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn là một trong những điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 đứng đầu cả nước (đạt 13,02%), năng suất lao động xã hội tăng 9,9% (đạt gần 110 triệu đồng), GRDP bình quân đầu người tăng 14,2% so với năm 2019 (đạt 2.900 USD), toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 67,4%, đạt 100% kế hoạch), thu hút vốn đầu tư tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (gần 1,25 tỷ USD). Khoa học và công nghệ (KH&CN) Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào những con số ấn tượng này. Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị “Tổng kết ISO hành chính giai đoạn 2018-2020 và hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020” do Sở KH&CN Bắc Giang tổ chức vào cuối tháng 1/2020.

Kết quả nổi bật

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về KH&CN được quan tâm; tiềm lực KH&CN từng bước được tăng cường; công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý công nghệ, hoạt động sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật đã đóng góp thiết thực trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Kết quả nổi bật trong hoạt động KH&CN của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua có thể kể đến là: i) Hoạt động nghiên cứu - ứng dụng có nhiều khởi sắc; ii) Tài sản trí tuệ được quan tâm phát triển, góp phần nâng cáo giá trị sản phẩm; iii) 100% UBND cấp xã áp dụng TCVN ISO 9001:2015.

Hoạt động nghiên cứu - ứng dụng có nhiều khởi sắc

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 đề tài/dự án khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh và cơ sở được nghiên cứu, ứng dụng ở tất cả các lĩnh vực. Qua đánh giá cho thấy, hầu hết các đề tài/dự án đều phát huy hiệu quả. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH&CN đã có những đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ kỹ thuật của người dân. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng và nhân rộng trong sản xuất. Một số kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng có hiệu quả đã tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất, đã và đang được nhân rộng, gắn kết với quá trình xây dựng chính sách để KH&CN phát huy vai trò then chốt, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cấp ủy và chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Điển hình của hoạt động nghiên cứu - ứng dụng là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các đề tài/dự án, tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra chuỗi giá trị như: chăn nuôi gà đồi Yên Thế; chăn nuôi, tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; cây ăn quả Lục Ngạn; rau an toàn, ứng dụng CNC ở các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa… Qua đó đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc biệt là nâng cao giá trị của sản phẩm.

Phát triển tài sản trí tuệ nâng cao giá trị sản phẩm

Gian đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh cho phép sử dụng các địa danh và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm (lạc giống Hiệp Hòa, dê núi Yên Thế, táo Lục Ngạn, ba kích tím Thanh Luận; nấm lim xanh Sơn Động; chả giá tay Lục Nam...). Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản, đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý “na dai Lục Nam”... Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm giúp các tổ chức/cá nhân nâng cao nhận thức về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Kết quả trong công tác sở hữu trí tuệ đã góp phần tích cực trong việc gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, dần tiếp cận với thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Na dai Lục Nam đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2020.

100% UBND cấp xã áp dụng TCVN ISO 9001:2015

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, 47/47 cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Năm 2019, có trên 90% số UBND cấp xã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 (vượt trên 20% so với kế hoạch đề ra); đến hết năm 2020, 100% UBND cấp xã đã áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn này. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã; sự tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức; một số cơ quan đã tự bố trí kinh phí để xây dựng, nâng cấp HTQLCL. Kết quả kiểm tra, đánh giá, chấm điểm hàng năm của Ban chỉ đạo ISO tỉnh Bắc Giang cho thấy, việc áp dụng, duy trì, nâng cấp HTQLCL hầu hết được các cơ quan thực hiện một cách nghiêm túc, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đánh giá về công tác này, đại diện Văn phòng UBND tỉnh cho biết: trong thời gian qua, kết quả của việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 đã đóng góp quan trọng vào thành công của công tác cải cách hành chính mà trực tiếp là giải quyết thủ tục hành chính, điều này thể hiện ở 3 nội dung: góp phần cụ thể hóa quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính; giúp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu sai sót do nguyên nhân chủ quan; giúp dễ dàng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

KH&CN - một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần được quan tâm đầu tư

Nói về nguyên nhân đạt được kết quả nổi bật nêu trên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, đó là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang; sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ban, ngành; sự quan tâm, coi trọng KH&CN của đông đảo doanh nghiệp, người dân; sự hợp tác có hiệu quả của các trường đại học, viện nghiên cứu ở Trung ương và địa phương… Nhận thức rõ vai trò của KH&CN trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách cho hoạt động này, bảo đảm mức tăng chi đạt 1,5% tổng chi ngân sách. Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực KH&CN, tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang xác định cần tiếp tục tăng cường phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, đặc thù của tỉnh; ứng dụng công nghệ vật liệu mới, tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện môi trường vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng, tiến tới ứng dụng vật liệu nano, vật liệu chức năng, vật liệu y sinh và điện tử tiên tiến; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng 5G; xây dựng mô hình đô thị thông minh nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tạo đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị...

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết ISO hành chính giai đoạn 2018-2020 và hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn chia sẻ một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang trong những năm qua và khẳng định KH&CN là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần được quan tâm đầu tư vì đây là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở KH&CN và các sở, ngành có liên quan cần đề xuất phát triển tiềm lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; huy động các nguồn lực đầu tư cho KH&CN; tham mưu bố trí ngân sách thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sự nghiệp kinh phí KH&CN tăng dần hàng năm, đảm bảo đến năm 2025, mức chi đầu tư cho KH&CN tối thiểu đạt 1,5% tổng chi ngân sách địa phương; tham mưu về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút các chuyên gia giỏi có những đóng góp cho hoạt động KH&CN của tỉnh; các đề tài/dự án KH&CN được triển khai cần tạo sự chuyển biến thực sự trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đồng thời phải khai thác được thế mạnh của tỉnh. Để thực hiện tốt Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”, Phó Chủ tịch Mai Sơn yêu cầu Sở KH&CN cần làm việc và hợp tác với các doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin để đưa ra đầu bài nhằm thực hiện chuyển đổi số trong tỉnh Bắc Giang.

VH, HY

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)