Thứ sáu, 29/01/2021 10:49

Tiền Giang: Nghiên cứu ứng dụng biện pháp kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất rau, quả an toàn

TS Nguyễn Hồng Thủy

Trường Đại học Tiền Giang

Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm gần đây, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (thuộc Sở KH&CN Tiền Giang) đã nghiên cứu, làm chủ nhiều quy trình, công nghệ hiện đại, góp phần đưa ngành sản xuất rau, quả của tỉnh Tiềng Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung phát triển theo hướng chất lượng cao, bền vững.

Sản xuất rau là một trong những thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang, với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 55.142 ha, năng suất trung bình 17 tấn/ha, sản lượng ước tính 1.064.600 tấn/năm (chiếm gần 12% tổng sản lượng nông nghiệp của tỉnh). Về cây ăn quả, Tiền Giang là "vương quốc" trái cây với tổng diện tích khoảng 79.138 ha, sản lượng đạt khoảng 1,49 triệu tấn/năm, gồm nhiều loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, khóm, thanh long, xoài, vú sữa, bưởi da xanh…

Với diện tích lớn, sản lượng cao, hàng năm ngành sản xuất rau, quả chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Vấn đề sản xuất rau, quả an toàn, chất lượng không chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là mục tiêu sống còn để phát triển nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Những năm gần đây, ngành KH&CN Tiền Giang đã nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất rau, quả an toàn thông qua việc triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững cho khu vực ĐBSCL. 

Một số kết quả nổi bật

Những năm gần đây, việc ứng dụng thành tựu KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao để sản xuất rau, quả an toàn là hướng ưu tiên tại các các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL và Tiền Giang cũng không phải là ngoại lệ. Để phát triển sản xuất rau, quả an toàn, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành rà soát nhu cầu sử dụng, quy hoạch vùng trồng…, đặc biệt là nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường và ứng dụng các mô hình canh tác hiện đại, điển hình như:

Nghiên cứu phát triển các chế phẩm sinh học

Thông qua việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học phục vụ rau quả an toàn”, các cán bộ KH&CN của tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công vào sản xuất chế phẩm sinh học Bioroot trên nền hữu cơ là vỏ hạt điều. Sản phẩm Bioroot có ưu điểm là phòng trừ sâu, bệnh hại rễ cây trồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chế phẩm này đã được triển khai ứng dụng trên hầu hết các huyện/thị xã/thành phố của tỉnh với tổng diện tích là 183,77 ha, với các loại rau ăn lá (cải tùa xại, cải xanh, cải ná, cải ngọt, cải bắp…); rau ăn quả (bầu, bí đao, bí hồ lô, mướp, đậu cove, đậu đũa, đậu bắp, cà chua, cà tím, ớt, dưa hấu, dưa leo, khổ qua); hoa (huệ, vạn thọ); cây ăn quả (bưởi, cam, vú sữa). Kết quả cho thấy, bón lót chế phẩm Bioroot vào giai đoạn làm đất trước khi trồng giúp kích thích sự sinh trưởng của cây, tăng chiều cao cây và năng suất ngay cả trong trường hợp cắt giảm lượng phân hóa học DAP, Urea, NPK. Tỷ lệ cây bị bệnh thấp hơn so với ruộng không bón trung bình từ 3,33-14,33% (tùy theo loại). Thực tế đã ghi nhận, ruộng rau có bón chế phẩm Bioroot, cây phát triển xanh tốt; lá dày; thân cây khỏe, cứng cáp hơn; chống chọi tốt với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết trong mùa mưa; giảm được tỷ lệ chết ở cây con, tỷ lệ bệnh héo rũ, cháy lá, bệnh khảm, bệnh nứt thân, chạy dây trên cây họ bầu bí. Bên cạnh Bioroot, chế phẩm sinh học Biotech 2 và Biotech 5 do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học sản xuất được ứng dụng trong bảo vệ thực vật có thành phần vi sinh bao gồm tổ hợp các vi sinh vật có ích cho quang hợp, vi khuẩn lên men lactic, Bacillus subtilic, B. mesentericus, B. megaterium, xạ khuẩn, nấm men, nấm sợi… Đây là những chế phẩm sinh học có tác dụng phục hồi hệ đệm sinh học của đất, phòng ngừa sâu bệnh, phòng trị tối ưu tuyến trùng và nấm bệnh, tác nhân gây vàng lá thối rễ, tăng cường khả năng đề kháng, chống chịu của cây trồng.

Kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất giá thể hữu cơ sạch từ phế phụ liệu nông nghiệp phục vụ nhu cầu trồng hoa và rau sạch tại tỉnh Tiền Giang” đã giúp các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tiếp cận được những thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến và làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý phế phụ liệu nông nghiệp sẵn có ở địa phương là mạt cưa sau trồng nấm, mụn xơ dừa… với bộ chủng vi sinh vật bản địa có khả năng phân giải cellulose cao để sản xuất ra giá thể hữu cơ sạch phục vụ trồng rau, hoa.

Thiết kế chế tạo nhà màng và các hệ thống tưới

Nhà màng do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học chuyển giao được thiết kế chế tạo với đầy đủ các yếu tố quan trọng để việc chăm sóc, bón phân, tưới nước được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được các yếu tố như mưa, nắng, gió, ngăn chặn xâm nhập của nhiều loại côn trùng… qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, công lao động và hạn chế đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với hệ thống nhà màng do Trung tâm chuyển giao, người dân có thể đưa nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ dùng thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối hệ thống máy tính với đầu cảm ứng cắm vào đất nhằm đo độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới theo chương trình. Đặc biệt, với việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn thanh long kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang” trong năm 2020, một hệ thống tưới thanh long đã được thiết kế gồm hai kiểu tưới: tưới phun mưa gốc (béc thấp) kết hợp bón phân và tưới phun mưa đầu trụ (béc cao) kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật. Hai kiểu tưới này được điều khiển tự động qua điện thoại hoặc điều khiển bằng tay. Đây là hệ thống tưới thông minh giúp xác định chính xác lượng nước được tưới, đảm bảo tưới đủ và tiết kiệm cho vườn thanh long; hệ thống được tích hợp rất nhiều tính năng tiện dụng cho người vận hành như điều khiển qua ứng dụng (không cần ghi nhớ cú pháp soạn tin nhắn SMS để điều khiển như những thiết bị điều khiển khác qua điện thoại), tích hợp các cảm biến để điều khiển tưới nhằm tiết kiệm nước tưới… Đây là biện pháp kỹ thuật khắc phục được tình trạng thiếu nước trong mùa khô, nhất là trong điều kiện nguồn nước ngày càng cạn kiệt, giúp cây sống khỏe, ít phát sinh sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng mô hình rau, quả sử dụng phương pháp thủy canh và khí canh
Các mô hình công nghệ thủy canh do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học thiết kế chế tạo đều rất linh động, có thể tháo lắp và dễ dàng di chuyển. Hệ thống đóng mở tự động, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày. Bên cạnh đó công nghệ khí canh do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ chuyển giao với dung dịch dinh dưỡng được phun sương, lượng dung dịch này sau khi thấm đủ cho bộ rễ của cây sẽ rơi xuống bồn chứa bên dưới và tiếp tục tuần hoàn sử dụng. Dung dịch dinh dưỡng được bơm tưới theo chế độ hẹn giờ mỗi 15 phút 1 lần và dễ dàng điều chỉnh tùy theo độ lớn của cây. Dinh dưỡng được sử dụng hoàn toàn từ hữu cơ nên cây dễ hấp thu, tăng trưởng nhanh, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất cho người sử dụng. Rau trồng bằng phương pháp khí canh được kiểm soát chất dinh dưỡng ngay từ đầu, không cần sử dụng đất trồng nên hạn chế sâu bệnh phát sinh, không lo tàn dư hóa chất hay kim loại nặng trong đất. Tất cả các nghiên cứu ứng dụng này là kết quả đã được nghiệm thu của các đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, đóng gói và bảo quản rau quả” năm 2016 và “Nghiên cứu ứng dụng khí canh trong sản xuất rau” năm 2020.

Chế tạo thiết bị xử lý rau, quả sau thu hoạch

Năm 2016, thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, đóng gói và bảo quản rau quả” Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học đã nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao vào sản xuất hệ thống thiết bị xử lý rau, quả sau thu hoạch bao gồm 3 máy (máy rửa 2 ngăn, máy ly tâm và máy đóng gói hút chân không). Sau 2 năm lắp đặt, vận hành, hiệu chỉnh thông số kỹ thuật, kết quả dây chuyền hoạt động tốt, có thể sử dụng cho nhiều loại rau quả nổi trên mặt nước như: rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, xà lách, rau muống, mồng tơi…); rau ăn quả (dưa leo, cà chua, khổ qua…), năng suất đạt 120 kg/giờ, rau sau khi xử lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ rau gãy dập thấp dưới 1%.

Năm 2020, thông qua việc thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, đóng gói diện tích 1.000 m2, kho bảo quản sức chứa 1.000 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học đã chuyển giao cho Công ty Long Việt (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) vận hành thành công dây chuyền sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu. Đây là một dây chuyền hệ thống ngâm rửa tích hợp được trang bị đồng bộ gồm hệ thống bồn ngâm sục nước chlorine vệ sinh sát trùng cho trái thanh long, hệ thống phun nước cao áp để tẩy rửa vết bẩn còn bám lại sau khâu sục rửa ban đầu, đảm bảo trái đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 

*
*          *

Hiện nay, tổng diện tích rau đạt chứng nhận VietGAP tại Tiền Giang đã trên 150 ha, cung cấp sản lượng hàng năm trên 18.000 tấn. Để tìm đầu ra cho nông sản, Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trên các mặt hàng nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: ớt, dưa hấu, rau màu các loại, thanh long... Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong tỉnh, sự chung tay của người dân, việc phát triển và mở rộng thị trường sẽ trở thành hiện thực, từ đó làm nên thương hiệu cho một vùng sản xuất rau, quả giàu tiềm năng của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)