Khởi nghiệp vì sức khỏe toàn diện của người cao tuổi
Với mục đích giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với các phương pháp chăm sóc sức khoẻ toàn diện thông qua những nền tảng công nghệ đơn giản, thân thiện và dễ sử dụng nhất, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, chị Ngô Thùy Anh đã phát triển thành công Ứng dụng hệ sinh thái tiện ích cho người cao tuổi - HASU.
Theo WHO, sức khỏe của một người không chỉ được đánh giá về mặt thể chất, mà còn về tinh thần và khả năng giao tiếp kết nối với xã hội, đây hiện tại là ứng dụng đầu tiên và duy nhất chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người cao tuổi tại Việt Nam. HASU mang lại những hiểu biết đúng về sức khoẻ, cung cấp các bài tập luyện nâng cao sức khỏe và những khoá học giúp người cao tuổi sống khoẻ, sống hạnh phúc và sống có ích, kết nối những người cao tuổi với nhau. Đặc biệt, trên ứng dụng này người sử dụng có thể xem các video cung cấp kiến thức về sức khỏe, cách tập luyện theo những hướng dẫn của bác sĩ hoặc giảng viên. Sự tối giản trong thao tác cùng giao diện được thiết kế riêng cho người cao tuổi, nhiều hình ảnh, âm thanh đã khiến cho ứng dụng này trở nên thân thiện và dễ dàng đối với người cao tuổi.
Ứng dụng trên đã tham gia trình diễn ở gian hàng Làng Địa phương tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2020 diễn ra cuối năm 2020 tại Hà Nội và đã nhận được các khoản đầu tư và cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn và thuận lợi khi phát triển ứng dụng trên, chị Ngô Thùy Anh cho biết, thế kỷ XXI là thế kỷ của công nghệ, sự bùng nổ của Internet và các thiết bị thông minh đã giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn về mọi mặt. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Công nghệ có thể giúp ích rất nhiều cho người cao tuổi, giúp họ kết nối với con cháu, biết được những điều đang diễn ra trên thế giới, giao lưu, giải trí, chăm sóc sức khỏe, tập luyện tại nhà… Tuy nhiên, do không được hướng dẫn, đào tạo tỉ mỉ, người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn khi sử dụng công nghệ nói chung, điện thoại thông minh nói riêng. HASU đã khắc phục được điều đó bằng việc xây dựng một ứng dụng với giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, dễ dàng sử dụng, đặc biệt thích hợp với những người cao tuổi, khi mà các phản ứng đã bắt đầu chậm đi, tai, mắt dần kém hơn.
Vì là một dự án mang tính xã hội và nhân văn cao nên HASU đã nhận được sự đầu tư và bảo trợ của Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng LIGHT, sự đồng hành của đội ngũ bác sĩ tuyến đầu của Viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Viện Châm cứu Trung ương, sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam…
Với những kết quả đạt được, HASU đã lọt top 10 startup xuất sắc nhất Techfest Vietnam 2020, đạt giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp tạo tác động xã hội 2020 và được đề cử đại diện cho Việt Nam tham gia Diễn đàn Youth Co:Lab châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia vào thời gian sắp tới và trong top 10 của Blue Venture Award “giải thưởng cộng đồng doanh nhân phát triển bền vững”
Sáng tạo sản phẩm khoa học vì xã hội
Là một nhà khoa học mang tư duy sáng chế vì cộng đồng, TS Đỗ Ngọc Chung - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp năng lượng toàn diện không chỉ sáng tạo ra các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống đời thường mà còn luôn nỗ lực thương mại hóa các sản phẩm, đưa công nghệ đến gần hơn với cuộc sống. Với niềm đam mê sáng tạo và quan niệm: nhà khoa học không chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà phải là người tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn, anh đã có nhiều công trình, công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó, phải kể đến các kết quả nghiên cứu chế tạo linh kiện chiếu sáng rắn (LED, OLED); vật liệu và linh kiện nano; quang học quang phổ, laser; máy ấp trứng; thiết bị làm rau giá sạch đa năng GV-102 quy mô gia đình và công nghiệp cho sản lượng và chất lượng cao…
Ngoài việc nghiên cứu khoa học, TS Đỗ Ngọc Chung hiện đang điều hành 2 nhóm khởi nghiệp về công nghệ thông tin và y tế với mong muốn chắp cánh cho các startup Việt vươn cao.
Nhóm công nghệ thông tin: TS Đỗ Ngọc Chung cho biết, đã nghiên cứu nhiều mô hình hiện đang có ở Việt Nam và trên thế giới về thương mại điện tử và nhận ra các mô hình đó đều chưa phù hợp với Việt Nam, mỗi mô hình có một vài điểm hay, và chủ yếu là phục vụ nhà đầu tư, người chủ mô hình mà chưa thực sự giúp được cho xã hội và các nhà khoa học… Theo anh, việc cần nhất hiện nay không phải là tập trung vào một sản phẩm nào, mà cần ưu tiên xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho Việt Nam - Một mô hình ít tốn kém, có khả năng tiếp cận khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất. Nhóm công nghệ thông tin chính là để thực hiện sứ mệnh này. Hiện nay, nhóm công nghệ thông tin do anh điều hành đã hoàn thành mô hình “Phát huy sức mạnh nội lực” cho các tổ chức như trường học, tổ chức từ thiện… có thể phát huy sức mạnh nội lực của mình, có nguồn tài chính ổn định, nhân văn, bền vững mà không cần xin bất cứ nguồn tài trợ từ tổ chức, hay cá nhân nào. Mô hình là kết quả ứng dụng từ hai giải pháp đã được bảo hộ bởi Cục Bản quyền tác giả (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) do TS Đỗ Ngọc Chung là tác giả: i) “Hình thức tổ chức kinh doanh On-Offline”; ii) “Sàn thương mại điện tử Smart Store”.
Nhóm về y tế, sức khỏe cộng đồng: với nhiệt huyết của một nhà khoa học, anh đã tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm nhiều bạn trẻ có trình độ về tin học, kỹ thuật y tế thực hiện một số sản phẩm, dự án có tính ứng dụng cao như: hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y tế; hệ thống thông tin y tế, giải pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng không cần dùng thuốc. Sau khi được anh chia sẻ và hỗ trợ, hiện sản phẩm của dự án đã được sử dụng trong một số bệnh viện.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, TS Đỗ Ngọc Chung cho biết, đa số các startup thất bại do thừa “cái tôi cá nhân”, nhầm hoặc thiếu tiêu chí, thước đo sự thành công. Để có được thành công, các sartup cần phải tăng cường tích lũy kinh nghiệm, tư duy phản biện, nghiên cứu thị trường, tổ chức đội nhóm tốt… Bên cạnh đó, không thể thiếu được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời điểm. Theo anh, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; đào tạo sau đại học về khởi nghiệp; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các bộ, ngành, địa phương có tiềm năng; tăng cường truyền thông tạo động lực, cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST...
Xây dựng một hệ sinh thái dành cho sinh viên
Trước thực trạng sinh viên mới ra trường đa phần chưa có định hướng về nghề nghiệp (không biết xin việc ở đâu, không xin được việc vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường, không tìm được việc vì nhà tuyển dụng không biết đến ngành đào tạo), DevZone - một startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái dành cho sinh viên, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật. Hoạt động chính của DevZone là xuất bản các nội dung, bài viết, khoá học về kỹ thuật; đào tạo kỹ năng cần thiết như: làm việc nhóm, làm báo cáo, giao tiếp, quản lý thời gian và công việc hiệu quả...; phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo trẻ; tổ chức tập huấn cho cán bộ ở các cơ sở giáo dục về phương pháp nghiên cứu khoa học, giải đáp và định hướng ngành nghề cho học sinh, sinh viên; trở thành cầu nối giao lưu giữa học sinh, sinh viên và người đi làm.
Hiện DevZone đang hướng tới việc phát huy những thế mạnh để mở rộng phạm vi đào tạo nhằm giúp thế hệ trẻ tại Việt Nam tiếp xúc nhiều hơn với khoa học và công nghệ, hội nhập với quốc tế. Bên cạnh đó cũng tìm kiếm những nhà đầu tư để phát triển các mô hình workspace, mô hình phòng lab để hỗ trợ sinh viên tiếp xúc với các dự án và môi trường làm việc thực tế.
Là 1 trong gần 300 startup trên toàn quốc tham gia Techfest Vietnam 2020, người sáng lập và điều hành DevZone Nguyễn Viết Dũng cho rằng, lợi ích khi tham gia Techfest là được giao lưu với nhiều startup, cũng như có cơ hội tiếp xúc và học hỏi các mô hình startup tốt. Techfest là một sân chơi tốt cho các startup trẻ, là bước đệm hoàn hảo để các startup giao lưu, học hỏi và kêu gọi đầu tư. Anh chia sẻ, để khởi nghiệp thành công các startup cần có đam mê và nhiệt huyết, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Anh mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các startup về công nghệ, nguồn vốn, tạo động lực cho các startup trẻ sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ lợi ích cộng đồng và xã hội.
Khát vọng gây dựng “cơn mưa” cà phê sạch
RAINCOFFEE đã được cộng đồng kinh doanh cà phê Việt Nam biết đến từ mấy năm gần đây (khởi nghiệp từ năm 2015, lĩnh vực lựa chọn là sản xuất và cung cấp cà phê hạt rang xay nguyên chất). Với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc, chú trọng vào các yếu tố: sự bền vững của vùng nguyên liệu; công nghệ sơ chế nhân cà phê an toàn môi trường; chất lượng cà phê đạt chuẩn quốc tế…, Công ty cổ phần RAINCOFFEE đã có những sản phẩm cà phê chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. RAINCOFFEE đã được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) ghi nhận và tôn vinh “Sản phẩm uy tín chất lượng” tại Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất, Lễ hội quảng bá và văn hóa thưởng thức cà phê lần thứ III (năm 2016).
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển và khai thác thương hiệu RAINCOFFEE còn gặp không ít khó khăn như: i) Khách hàng quen dùng cà phê phối trộn với các đặc tính đậm, sánh, ngậy…; ii) Doanh nghiệp còn non trẻ nên thiếu các kinh nghiệm triển khai thị trường, thiếu kiến thức pháp lý khi mở nhượng quyền; iii) Chưa có cộng đồng hỗ trợ kinh doanh, thiếu hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng... Nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Đề án 844, RAINCOFFEE đã được giới thiệu các chuyên gia, cố vấn về khởi nghiệp ĐMST; tiếp cận và tham gia các sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức; các hội thảo chuyên đề và kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế (tham gia các sự kiện như Techfest Vietnam, Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp Kickstart...). Qua đó, đã giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành phù hợp và có nhiều chuyển biến trong hoạt động kinh doanh, nhượng quyền thương hiệu... Hiện nay, Công ty cổ phần RAINCOFFEE đã phát triển được 21 cửa hàng nhượng quyền, 17 dòng sản phẩm khác nhau với hương vị từ cà phê hạt nguyên chất 100%, 300 đại lý phân phối. Sản phẩm cà phê pha phin, cà phê pha máy cao cấp RAINCOFFEE đã được phân phối trên tất cả các tỉnh/thành miền Bắc, đặc biệt các sản phẩm này đã được các đối tác đặt hàng để tiêu thụ tại một số thành phố lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm của RAINCOFFEE đã được xuất khẩu qua Mỹ, Đức, Italia và được đánh giá rất cao.
Với sứ mệnh mang cà phê Việt Nam ra thế giới và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, anh Hòa - CEO của RAINCOFFE mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng khởi nghiệp, cung cấp các giải pháp tổng thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.
DauThau.Info: Sản phẩm khởi nghiệp ĐMST ra đời từ nhu cầu thực tiễn công việc
DauThau.Info ra đời đầu năm 2018, từ một dự án nội bộ của Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES), được phát triển cho Phòng Đấu thầu nhằm tìm kiếm các gói thầu thiết kế website và cổng thông tin phù hợp với năng lực của Công ty. Vào thời điểm đó, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Phòng Đấu thầu của VINADES gặp vấn đề rất nghiêm trọng trong quá trình tìm kiếm thông tin thầu: cổng thông tin mua sắm công thì rất khó tra cứu, lại không có chức năng sàng lọc và gửi thông tin thầu qua email; một số nơi (bao gồm báo đấu thầu) chỉ cung cấp thông tin dạng bản tin đấu thầu điện tử dưới hình thức file PDF, XLS... phải tốn nhân lực để xử lý. Tóm lại, các dịch vụ tìm kiếm và cung cấp thông tin thầu lúc bấy giờ không đáp ứng được nhu cầu của những người làm thầu ở VINADES. Một câu hỏi đặt ra là: tại sao VINADES không viết một phần mềm để giải quyết vấn đề này? DauThau.Info ra đời trong bối cảnh đó, chính từ nhu cầu thực tiễn công việc.
Với 10 gói phần mềm và một gói combo (tổng hợp), DauThau.Info không chỉ là một phần mềm mà là bộ phần mềm toàn diện (dành cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước) có nhu cầu hoặc đang tham gia đấu thầu ở Việt Nam. Các chức năng điển hình của "trợ lý số" DauThau.Info bao gồm: tìm kiếm, săn thông tin thầu và theo dõi quá trình mời thầu, đấu thầu cho đến khi có kết quả đấu thầu. Lịch sử đấu thầu trong vòng 10 năm cũng sẽ được theo dõi và tra cứu để tìm quan hệ giữa các bên.
Bằng cách cho phép nhà thầu thực hiện cài đặt để theo dõi và báo cáo tự động các thông báo mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đúng với ngành nghề, lĩnh vực mà mình mong muốn để gửi về email của mình (thay vì phải nhận cả các gói thầu không đúng lĩnh vực mình kinh doanh, sau đó cho nhân lực sàng lọc thủ công), phần mềm sẽ giúp nhà thầu tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, nhân lực cho việc tìm kiếm thông tin thầu. Quan trọng hơn là tránh bỏ lỡ các gói thầu chỉ vì tình trạng nhân viên “quên quên, nhớ nhớ” khi mà số lượng bản tin thầu quá lớn, trong khi rất ít doanh nghiệp có nhân viên chuyên trách trong việc tìm kiếm các gói thầu. Ngoài ra, DauThau.Info còn có một số tính năng khác như: soi giá gói thầu, tải hồ sơ mời thầu ở trình duyệt và hệ điều hành bất kỳ...
Ở giai đoạn đầu, DauThau.Info đã thu hút gần 40.000 tài khoản ở hơn 24.000 doanh nghiệp là các nhà thầu mua sắm công thuộc mọi lĩnh vực đăng ký tham gia. Trong giai đoạn tiếp theo, VINADES hướng tới hình thành một hệ thống sàn mua sắm giữa các doanh nghiệp (sàn B2B, tức Business - to - Business). DauThau.Net là sản phẩm của giai đoạn tiếp theo, được xây dựng theo hướng hỗ trợ cả những hình thức mua sắm đơn giản (báo giá cạnh tranh) cho tới các hình thức đấu thầu phức tạp như trong Luật Đấu thầu.
Chia sẻ về môi trường khởi nghiệp ĐMST hiện nay, Tổng Giám đốc VINADES Nguyễn Thế Hùng cho biết: ngày nay người tham gia khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp ĐMST nói riêng đã rất may mắn khi được hỗ trợ nhiều hơn rất nhiều so với trước đây, từ đào tạo kiến thức, nguồn vốn, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, công nghệ, các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là sự khích lệ và ủng hộ từ Chính phủ rất mạnh mẽ… Tất cả những điều này giúp ích rất nhiều cho những người khởi nghiệp. Nhấn mạnh về vai trò của nguồn dữ liệu mở đối với doanh nghiệp nói chung và các Startup nói riêng, nhưng anh Hùng cho rằng, việc phát triển nguồn dữ liệu này tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt khó khăn trong việc khai thác và đề nghị cấp phép mở. Đây là một rào cản cần được chỉ đạo tháo gỡ nhằm phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong thời gian tới.
Mong ước có thể xuất khẩu cây gia vị độc đáo của quê hương ra nước ngoài
Năm 2015, sau khi xem cuộc thi Chiếc thìa vàng (một cuộc thi nấu ăn) trên truyền hình, anh Nguyễn Hữu Quyền (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thấy các đầu bếp sử dụng một loại gia vị là cây sọ chó. Sau khi tìm hiểu anh thấy, lá cây này dù có vị hăng, hơi gắt nhưng khi nấu lên mùi rất thơm, giúp món ăn ngon hơn. Tìm hiểu thêm anh phát hiện ra cây sọ chó được rất nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng sử dụng làm gia vị. Ở thành phố loại cây này rất ít người biết đến, không có ai trồng, còn ở các vùng như Quảng Ngãi quê anh lại mọc hoang ở bờ bụi rất nhiều. Lúc đó anh Quyền chợt nảy ra suy nghĩ tại sao mình không khởi nghiệp từ loại cây này?
Để khởi nghiệp, anh phải mất 2 năm tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng và chế biến loại gia vị này. Năm 2017, anh Quyền bắt đầu trồng cây sọ chó nhưng này sinh vấn đề khó khăn ở chỗ không kiếm được nguồn cây giống. Trước kia cây thường mọc hoang nhiều ở vùng núi nhưng thời điểm anh trồng thì diện tích loại cây này đã bị thu hẹp và rất khó tìm. Bên cạnh đó, để có thể trồng với diện tích đủ lớn thì lại phải thuê đất của người dân quanh vùng. Đó cũng là bài toán nan giải đối với người mới khởi nghiệp. Tuy vậy, sọ chó là cây mọc hoang nên có sức sống khá mãnh liệt, không tốn công chăm sóc, nhưng trong quá trình trồng cần phải theo dõi sát sao vì cây hay xuất hiện bệnh đục thân, rám lá.
Sau khi đã vượt qua những khó khăn về chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đầu năm 2019, anh thành lập Công ty TNHH gia vị Rồng Vàng tại TP Hồ Chí Minh và cho ra mắt thị trường sản phẩm đầu tiên được làm từ lá sọ chó. Đây là sản phẩm kết hợp các loại phụ gia được sử dụng hằng ngày cùng với lá sọ chó, khi nấu ăn thì không cần phải thêm gia vị khác. Đến thời điểm hiện tại, anh Quyền đã sản xuất và phân phối cây sọ chó với nhiều dòng sản phẩm khác nhau như: cây giống, lá sọ chó tươi, lá sọ chó khô và các loại gia vị được chế biến từ cây sọ chó. Cây giống được anh Quyền bán ra thị trường khoảng 200 nghìn đồng/chậu, lá tươi khoảng 350 nghìn đồng/kg và lá khô 800 nghìn đồng/kg…
Vì đây là một loại cây gia vị mới nên nhiều người chưa biết, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn; phải mất rất nhiều thời gian tiếp thị sản phẩm cũng như ký gửi để người tiêu dùng sử dụng thử. Đến nay, các sản phẩm được chế biến từ cây sọ chó đã được phân phối ở nhiều chợ truyền thống, siêu thị mini tại các tỉnh/thành miền Trung và miền Nam.
Sau khi tham gia Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia Techfest Vietnam 2020 diễn ra từ ngày 27-29/11/2020 tại Hà Nội, anh Quyền đã được gặp gỡ, trao đổi với nhiều đối tác trong nước cũng như quốc tế và rút ra nhiều bài học quý báu. Hiện tại, anh đang lên kế hoạch mở rộng quy mô và tìm kiếm các nhà đầu tư, tổ chức có thể hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình trồng cây sọ chó tại các địa phương, đồng thời tìm kiếm thị trường để có thể xuất khẩu loại cây gia vị này ra nước ngoài.
Genetica - Khát vọng đưa hệ gen người Việt vào bản đồ gen thế giới
Trong xu thế chuyển đổi số và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Genetica là một trong những công ty phát triển công nghệ tìm ra cơ hội từ thách thức. Genetica đã thực hiện thành công chiến dịch “về nhà để phát triển” (Go big to go home) trong lĩnh vực giải mã gen sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Với sứ mệnh tối ưu hóa kế hoạch phát triển cá nhân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người dân Việt Nam, TS Cao Anh Tuấn đã từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Google, trở về Việt Nam cùng các cộng sự khởi nghiệp với khát vọng thành lập một trung tâm giải mã gen hàng đầu châu Á tại Việt Nam. Anh chia sẻ, việc giải mã gen đã phổ biến ở nhiều nước phương Tây, nhưng xu hướng này chưa được các nước đang phát triển quan tâm. Do đó, thông qua Genetica, người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung sẽ có bản đồ gen của riêng mình.
Với sự hậu thuẫn từ các giáo sư hàng đầu của Đại học UCSF, Đại học Stanford và Đại học Berkeley (Mỹ), chỉ với mẫu nước bọt, Genetica có thể phân tích hàng trăm gen và hàng nghìn biến thể để cung cấp cho khách hàng những báo cáo chi tiết về tiềm năng phát triển, thể chất cá nhân, dinh dưỡng cá nhân và sàng lọc ung thư di truyền đạt độ chính xác tới 99,99% với chi phí rất rẻ và chỉ cần thực hiện 1 lần trong đời. Chia sẻ về những khó khăn mà Công ty đang gặp phải, TS Cao Anh Tuấn cho biết, Genetica là công ty phát triển công nghệ tại Mỹ, có phòng nghiên cứu tại Mỹ và Việt Nam, do vậy cần phải thuyết phục những đối tác từ Singapore và Hongkong gửi mẫu giải mã gen đến phòng nghiên cứu tại Việt Nam thay vì tại Mỹ. Đồng nghĩa với việc thuyết phục các đối tác tin rằng phòng lab tại Việt Nam vẫn chất lượng và đạt chuẩn quốc tế.
Tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia hay Malaysia, việc giải mã gen cũng dần phổ biến và trở thành xu hướng. Trong tương lai, việc giải mã gen sẽ tới với mỗi người dân một cách dễ dàng hơn. Hiện tại, việc giải mã gen tại Genetica đã được giản hoá. Cụ thể, mọi người có thể tự lấy mẫu tại nhà, gửi đến Genetica và nhận kết quả. Sau đó, người dùng có thể tải app Genetica về điện thoại và tự quản lý kết quả giải mã gen của mình.
“Trong thời đại khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ 4, các bạn trẻ được tiếp cận nhiều thông tin và các công nghệ mới, do đó để hội nhập và phát triển, hãy tập trung vào phát triển công nghệ cốt lõi trước, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao hiện nay”, TS Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Nhận dạng giọng nói tiếng Việt: Khởi nghiệp ĐMST bằng công nghệ và tầm nhìn khác biệt
“Năm 2018, sau khi xem xét công nghệ nhận dạng giọng nói tiếng Việt hiện có trên thị trường, chúng tôi đã nhận thấy những sản phẩm lúc đó còn có nhiều hạn chế và chưa xử lý hiệu quả các vấn đề khi ứng dụng vào thực tế; các hệ thống tùy chỉnh lại làm mất khá nhiều thời gian để triển khai và yêu cầu nhiều dịch vụ để duy trì và cải thiện. Từ đó, chúng tôi thấy cần một công nghệ lõi và tầm nhìn khác biệt. Đó là động lực để chúng tôi thành lập Công ty TNHH Hệ thống Trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS)”. Đó là chia sẻ của Tổng giám đốc VAIS Đỗ Quốc Trường với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Công nghệ nhận dạng giọng nói của VAIS có ưu điểm là độ chính xác đến 95%, hoạt động tốt trong môi trường nhiễu, gần 7.000 từ vựng tiếng Việt, hiển thị kết quả thời gian thực với độ trễ dưới 0,5 giây, tối ưu nhận dạng giọng nói 3 miền (Bắc, Trung, Nam), nhận dạng từ khoảng cách xa trong vòng 2 mét, chuẩn hóa văn bản đầu ra (tên, ngày, tháng, số...), hỗ trợ nhận dạng nhiều định dang audio. Với những ưu điểm này, VAIS đã cho ra đời phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản (V-IONE), giúp chuyển tệp dữ liệu ghi âm thành tài liệu bằng văn bản một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác. V-IONE hoạt động trên 2 nền tảng (web và mobile). Đối với nền tảng web, người dùng có thể xuất biên bản họp dưới dạng file word (.doc, .docx) hoặc file Acrobat Reader (.pdf), thanh toán theo lưu lượng sử dụng, chỉnh sửa/hiệu chỉnh trực tuyến, sử dụng sản phẩm ngay sau khi đăng ký trên trình duyệt Chrome, FireFox, IE. Trên nền tảng mobile, người dùng có thể biến smartphone thành thiết bị chuyển đổi giọng nói, chuyển đổi đoạn ghi âm sang văn bản, hoạt động ở mọi nơi, hỗ trợ đa nền tảng (cả iOS và Android).
Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam hiện nay, Tổng Giám đốc Đỗ Quốc Trường khẳng định: Trong những năm gần đây, Việt Nam xác định khởi nghiệp ĐMST là yếu tố cốt lõi để tạo ra thành công của doanh nghiệp Việt. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, có xu hướng cải thiện về điểm số ở những chỉ số đứng đầu như: cơ sở hạ tầng, sự năng động của thị trường nội địa và văn hóa chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số mà Việt Nam kém so với các nước cùng trình độ phát triển và các nước trong khu vực, trong đó phải kể đến là: sự lo sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố ĐMST trong kinh doanh… Để phát triển hơn nữa hệ sinh thái này, ông Đỗ Quốc Trường đưa ra một số khuyến nghị: i) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh: Nhà nước cần gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, đưa ra những chính sách “thông thoáng”, tăng cường phổ biến thông tin thị trường đến người dân và doanh nghiệp; ii) Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, giao lưu, tạo mối quan hệ giữa các vườn ươm, các quỹ đầu tư với doanh nghiệp; iii) Xây dựng các chương trình khuyến khích, hỗ trợ ĐMST. Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, cần tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản, chương trình liên quan đến kinh doanh, có những đóng góp và chia sẻ tri thức tích cực với cộng đồng, đặc biệt là tận dụng sự phát triển của công nghệ số để có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
VH, CT, XD, XB, LB thực hiện