Hàng năm Giải thưởng VinFuture có 1 Giải thưởng chính và 3 Giải Đặc biệt với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD). Trong đó, Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD), là một trong những giải thưởng KH&CN có quy mô toàn cầu với giá trị lớn nhất cho đến nay. Giải thưởng chính sẽ được trao cho tác giả của các nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ đã được chứng minh có khả năng làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai.
Nhằm khuyến khích sự đa dạng, sự công bằng về cơ hội và hướng tới tương lai, Quỹ VinFuture cũng trao 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỷ đồng/năm, tương đương 500.000 USD, gồm: i) Giải cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh đến từ các nước đang phát triển. Đây là giải thưởng toàn cầu có giá trị lớn nhất dành riêng cho các nhà khoa học đến từ những quốc gia mà điều kiện nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội các nhà khoa học được tôn vinh ở cấp độ này còn hạn chế; ii) Giải cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh là phụ nữ. Đây là giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới dành riêng cho các nhà khoa học nữ; iii) Giải cho tác giả nghiên cứu hoặc phát minh mang tính tiên phong trong lĩnh vực mới.
Sứ mệnh của Giải thưởng là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Vì vậy, Giải thưởng VinFuture tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi - tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại như: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Các đề cử được giới thiệu bởi các nhà khoa học, các nhà phát minh có ảnh hưởng toàn cầu và các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, tập đoàn công nghệ, vườn ươm đổi mới sáng tạo uy tín ở tất cả các quốc gia.
Một Hội đồng Giải thưởng độc lập sẽ chịu trách nhiệm xét chọn người đạt giải từ các đề cử. Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Những thành tựu và đóng góp trong lĩnh vực KH&CN của các thành viên Hội đồng Giải thưởng đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Có thể kể tới như Giáo sư Gérard Mourou - Đại học Bách Khoa Pháp, người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018; Giáo sư Sir Richard Henry Friend - Đại học Cambridge; Giáo sư Jennifer Tour Chayes - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Microsoft, Phó Hiệu trưởng Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley; Giáo sư Michael Porter - Đại học Harvard, cha đẻ học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”; Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov - Đại học Manchester, người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36…
Để đảm bảo hoạt động vận hành và trao giải VinFuture, những người sáng lập cam kết tài trợ số tiền ban đầu 2.000 tỷ đồng và sẽ được tiếp tục bổ sung trong tương lai để đảm bảo việc hoạt động lâu dài cho quỹ. Đơn vị trực tiếp quản lý Giải thưởng và triển khai các hoạt động là Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập. Sát cánh ở vai trò tư vấn, hỗ trợ cho các Nhà sáng lập là Hội đồng cố vấn gồm những nhà khoa học xuất sắc người Việt Nam do Giáo sư Vũ Hà Văn - Đại học Yale và Giáo sư Nguyễn Thục Quyên - Đại học California Santa Barbara làm đồng Chủ tịch.
Giải thưởng VinFuture sẽ bắt đầu nhận đề cử cho mùa trao giải đầu tiên từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021. Danh sách những người đạt Giải thưởng VinFuture sẽ được công bố vào tháng 12/2021. Lễ trao giải chính thức dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 1/2022.
CT