Thứ sáu, 18/12/2020 14:31

Ngành nông nghiệp có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao như ngành nông nghiệp (dự kiến xuất khẩu gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường 8%, thịt lợn 4%, lâm sản 3%, thịt gia súc gia cầm 4%, thủy sản 2% trong giai đoạn 2020-2030), chế biến chế tạo. Ở chiều ngược lại, các cam kết trong EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho ta trong ngành dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics. Tuy nhiên, đây lại chính là những ngành huyết mạch của nền kinh tế mà ta đang cần phát triển nhằm nâng cao năng lực phục vụ các ngành sản xuất kinh doanh trong nước như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics hoặc các ngành phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe của người dân như dược phẩm. Do đó, sức ép cạnh tranh trong các ngành này tuy có nhưng là cần thiết và tất yếu để giúp ta có cơ hội hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm để tạo đà tăng trưởng và phát triển lên một tầm cao mới.
 
CM

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)