Thứ năm, 17/12/2020 10:53

Gánh nặng thuế đối với các gia đình Việt Nam

Ngày 16/12/2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng”.

Bằng phương pháp nghiên cứu của mình, các chuyên gia thuộc VEPR đã tính toán gánh nặng thuế đối với các gia đình Việt Nam trên một số loại thuế như: thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân (TTNCN)... Theo đó, thì VAT chiếm vai trò quan trọng nhất trong gánh nặng thuế, phí đối với các hộ gia đình Việt Nam (trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 6,28% thu nhập của họ để đóng loại thuế này); tác động của TTNCN chỉ mạnh đối với nhóm trung lưu vì tỷ trọng tiền lương trong thu nhập của các hộ gia đình tăng dần.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho tỷ trọng thu thuế giảm đối với tất cả các nước trong giai đoạn 2007‐2009. Sau đó, tỷ lệ thu thuế/GDP các nước nhìn chung tương đối ổn định. Các chuyên gia của VEPR cho biết, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Khi GDP và thu ngân sách tăng, tỷ trọng về thuế thu nhập (bao gồm TTNCN và thuế thu nhập doanh nghiệp) trong thu thuế thường tăng, thay thế cho các loại thuế tiêu thụ và thương mại. Hiện tại, tỷ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Xu hướng cho thấy thuế trực thu vẫn đang tiếp tục giảm về tỷ trọng so với số gián thu. Chính vì vậy, cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cấp cao chương trình quản trị của tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Những phân tích trong nghiên cứu của VEPR là những cơ sở khoa học để Việt Nam nhìn lại toàn bộ các hệ thống thuế và sắc thuế nhằm có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính công bằng và bền vững. Đồng thời cũng để đảm bảo sự chia sẻ bình đẳng giữa các cá nhân có thu nhập cao, cũng như là các công ty chịu phần thuế một cách công bằng. Điều này là rất cần thiết, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị đưa ra những cải cách thuế mới cho năm 2021 cũng như các năm tiếp theo, sau khi đã thực hiện việc cải cách thuế trong giai đoạn từ 2010-2020 (hiện đã kết thúc).

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)