Thứ tư, 16/12/2020 14:47

EVFTA và những cơ hội của làng nghề Việt

Hội thảo Phổ biến các cam kết sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thông tin về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), cùng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (HHLNVN) đã nêu ra được những cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong việc đưa sản phẩm truyền thống đến thị trường châu Âu.

Theo Chủ tịch HHLNVN Lưu Duy Dần, EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề là tác động kép, đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển; tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Khi EVFTA đi vào thực thi, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Do vậy, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt lưu tâm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Đồng tình quan điểm trên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với các làng nghề đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề hội nhập. Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn nhấn mạnh, cùng với những nội dung liên quan đến thương mại, SHTT là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra trong EVFTA. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình xem xét môi trường, thể chế đầu tư của Việt Nam. Vấn đề SHTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA.

Lý giải nguyên nhân này, Phó Cục trưởng cho hay, do châu Âu là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó việc tăng cường bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHTT là nhu cầu cấp thiết. Châu Âu cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT đặc thù này. Về phía Việt Nam, thông qua EVFTA, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp sản phẩm làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng.

Đây cũng sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác. Mặt khác, EU có quá trình công nghiệp hóa với các làng nghề lâu dài, đây cũng là cơ sở để cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ phù hợp với các làng nghề… Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên còn gặp rất nhiều hạn chế như liên kết lại lỏng lẻo, ít chú trọng đến khâu thiết kế nên chủ yếu chỉ là gia công, kinh doanh lại mang tính cá thể nhỏ lẻ nên rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng, sản xuất kinh doanh gắn với du lịch là xu hướng phát triển bền vững và hiệu quả cho mỗi thương hiệu trong quá trình phát triển của từng địa phương cũng như mỗi doanh nghiệp. Các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, những mặt hàng này đều nằm trong diện được miễn thuế. Điều này giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng thâm nhập vào các thị trường khác. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tìm đến các nước sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhiều hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói chung và của Hà Nội nói riêng tiếp cận thị trường nhanh hơn, số lượng nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển của Việt Nam hiện nay và nhu cầu mua sắm du lịch làng nghề ngày càng cao, việc tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch.

Xuân Bình

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)