Thứ ba, 15/12/2020 14:52

Thúc đẩy xuất khẩu lâm sản vào thị trường châu Âu

Đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chính là yếu tố quan trọng để ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng tại Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025" diễn ra ngày 1/12/2020 tại Nghệ An.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn.    Sức bật xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam chính là nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Các hiệp định này đều có mức độ cam kết về sở hữu trí tuệ cao hơn so với các hiệp định mà Việt Nam đã ký trước đó, qua đấy giúp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt tiệm cận chuỗi giá trị sản phẩm gỗ của thị trường khó tính nhất thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng cho rằng, để gia nhập vào thị trường tiềm năng này, bản thân các doanh nghiệp sản xuát và chế biến gỗ, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc đầu tư công nghệ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, chú trọng xây dựng thương hiệu, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm xuất khẩu.

Đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, việc gia tăng các dự án FDI sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án FDI, dẫn đến nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang châu Âu bằng xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ Việt Nam. Do vậy, để thực thi nghiêm Hiệp định EVFTA, cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện việc chấp hành hồ sơ, nguồn gốc gỗ theo quy định; đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm (C/O) cho một số mặt hàng gỗ có nguy cơ gian lận thương mại để phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)