Bên cạnh đó, Hiệp định yêu cầu phải có cơ chế đền bù thỏa đáng nếu thời hạn khai thác sáng chế là dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm đó. Cơ chế đền bù có thể được thực hiện dưới hình thức kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế nhưng không quá 2 năm.
Điều kiện để bị coi là chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm là việc trong vòng 24 tháng kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép lưu hành mà cơ quan quản lý dược không có phản hồi nào. Thực tế, theo thông tin từ cơ quan quản lý dược, các phản hồi đối với đơn xin cấp phép lưu hành hiện nay thường được thực hiện dưới 24 tháng kể từ ngày nộp đơn. Mặc dù vậy, quy định về cơ chế đền bù cũng cần được nghiên cứu để đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, dù dưới bất kỳ hình thức nào.
Việc thực hiện cơ chế đền bù thỏa đáng nếu thời hạn khai thác sáng chế là dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm đó có thể là gánh nặng cho ngân sách (nếu đền bù bằng tiền) hoặc làm chậm quá trình đưa thuốc generic vào thị trường Việt Nam (nếu đền bù bằng việc kéo dài thời gian hiệu lực của bằng sáng chế). Nhưng thách thức này có thể vượt qua bằng cách nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp và của xã hội cũng như đẩy nhanh quá trình xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc tại cơ quan quản lý dược (Bộ Y tế).
CT