Thứ năm, 26/11/2020 10:24

Thảo luận về chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội

Ngày 25/11/2020, Liên minh công bằng thuế Việt Nam (VATJ) đã chủ trì Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2020. Với chủ đề “Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội”, Diễn đàn năm nay quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khóa.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nổ ra bất ngờ và diễn biến phức tạp, tàn phá nền kinh tế thế giới và tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động kinh tế của Việt Nam, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về vấn đề thu, chi ngân sách trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn nợ công. Chính vì vậy, Diễn đàn đã tập trung thảo luận những vấn đề và lựa chọn chính sách trong lĩnh vực tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.

ThS Phạm Văn Long - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) từ kết quả nghiên cứu của mình đã khẳng định, thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước với con số trung bình là 78% trong giai đoạn 2006-2019. Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng chậm lại trong 3 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề về ngân sách Việt Nam là các nguồn thu bị thu hẹp do suy giảm tăng trưởng và thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, vấn đề về tăng nguồn chi, với những khoản chi rất mạnh như gói an sinh xã hội, chi thực hiện nhiệm vụ cấp bách vì thiên tai hay chi đầu tư công cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Về vấn đề nợ công, thời gian gần đây, đã được cải thiện, nhưng do tác động của dịch Covid-19 đã gây mất cân đối ngân sách - trở thành áp lực mới cho nợ công.

Trước hàng loạt vấn đề về tài khóa hiện nay, các đại biểu cũng đã đưa ra các khuyến nghị, cơ bản thống nhất với các khuyến nghị mà nghiên cứu của ThS Phạm Văn Long nêu ra: 1) Đối với thu ngân sách: cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp; đẩy nhanh tiến độ dự án Thuế tài sản, đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026; cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh; rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI; cần tính toán và công khai thông tin về chi qua thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp; 2) Đối với chi ngân sách: Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách; chi ngân sách cho y tế cần được tăng thêm nhưng cần chú ý phối hợp với chính sách bảo hiểm y tế và nâng cao tính hiệu quả của sự phối hợp này; các số liệu về chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế, giáo dục cần được công khai trong các báo cáo ngân sách; Chính phủ cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)