Thứ tư, 25/11/2020 13:19

HUS Racing: Khơi nguồn cảm hứng đam mê công nghệ

Ngày 24/11/2020, vòng chung kết cuộc thi đua xe công nghệ mang tên HUS Racing dành cho học sinh Trường THPT Chuyên khoa học tự nhiên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra đầy sôi nổi và hào hứng. Đây là cuộc thi đua xe mô hình ô tô tự động có sử dụng các kiến thức nền tảng và nâng cao về điện tử, tin học, máy tính và công nghệ thông tin như: lập trình nhúng, thiết kế mạch, xử lý ảnh, điều khiển động cơ, thiết kế và chế tạo robot bằng máy in 3D...

HUS Racing tạo ra sân chơi ngoại khoá công nghệ bổ ích, tạo động lực, khơi nguồn cảm hứng đam mê công nghệ cho học sinh, sinh viên. Sau khi phát động cuộc thi (từ đầu tháng 10/2020), Ban tổ chức HUS Racing đã nhận được nhiều đăng ký của các bạn học sinh, sinh viên. Trải qua đào tạo ngoại khóa cơ bản và nâng cao, Ban tổ chức đã lựa chọn danh sách chính thức tham gia và tổ chức thi đấu sơ loại. Kết quả: 8 đội chơi, chia làm 2 bảng, mỗi đội gồm 2-3 học sinh/sinh viên vào vòng chung kết.

Luật chơi được quy định như sau: mỗi đội thi gồm 2 đến 3 thành viên và 1 xe thi đấu. Xe của mỗi đội sẽ bắt đầu từ ô xuất phát của đội mình đi thẳng đến khu vực vòng xuyến. Ở khu vực này, xe phải đi trọn 1 vòng, sau đó thoát khỏi vòng xuyến và đi vào khu vực đường hầm. Sau khi đi hết khu vực đường hầm, xe rẽ lên cầu và vòng xuống dưới gầm cầu rồi cuối cùng quay về vạch đích. Thời gian thi đấu tối đa cho một lượt là 4 phút.

Sân thi đấu có kích thước 3,6 x 6,2 m với 2 đường đua song song lấy cầu làm trục đối xứng. Hai đội sẽ đua cùng lúc. Xe tự động của 2 đội trước khi lên cầu phải đi qua trạm thu phí. Tại đây, sau khi mua vé xong, barie chỉ mở ra trong vòng 5 giây, do đó xe bắt buộc phải tăng tốc để qua barie trước khi bị chắn. Ở mỗi đoạn đường đi trên sân thi đấu đều có các đèn báo hiệu. Khi các xe hoàn thành chặng đua phải đảm bảo toàn bộ đèn báo chuyển từ đỏ sang xanh lá. Đặc biệt, đèn báo ở phía bên trái của vòng xuyến phải chuyển từ đỏ sang xanh lam và xanh lá.

Kết quả được tính theo thời gian hoàn thành một vòng đua hoàn chỉnh. Trường hợp đội thi không hoàn thành trọn vẹn một vòng đua, kết quả được tính theo số đèn báo đã chuyển sang màu xanh lá. Trường hợp 02 đội thi có cùng số đèn báo hiệu, đội có thời gian hoàn thành ngắn hơn được tính kết quả cao hơn.

Với xe thi đấu, Ban tổ chức yêu cầu: Xe phải có chức năng xử lý ảnh, điều khiển động cơ để hoàn thành sa hình trong sân thi đấu của đội mình một cách hoàn toàn tự động. Kích thước xe không vượt quá 30 x 30 x 30 cm. Khi bắt đầu hoạt động, xe tự động phải tự động hoàn toàn. Nguồn điện cung cấp cho xe không được vượt quá 24V. Board xử lý chính được Ban tổ chức phát cho mỗi đội có cấu hình bằng nhau (tương đương Rasperry Pi 3. B+), tuy nhiên các đội chơi có thể tự nâng cấp cho xe của đội mình.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Triển vọng và 3 giải Thiết kế ấn tượng. Phát biểu trước vòng chung kết cuộc thi, GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Cuộc thi là sân chơi công nghệ đáp ứng yêu cầu 4.0. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, luôn tạo điều kiện để sinh viên và học sinh của Nhà trường được tham gia những sân chơi bổ ích, phát triển tư duy và kỹ năng thực hành nhằm mục tiêu hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)