Thứ hai, 23/11/2020 15:56

Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức do sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Đại dịch gây ra các khó khăn về kinh tế - xã hội và y tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới, dẫn tới lượng cầu một số mặt hàng nông nghiệp giảm, sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn về nguồn cung một số vật tư nông nghiệp, đặc biệt là những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều như thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu. Đại dịch cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, thu nhập và chi tiêu của người dân khu vực nông thôn.

rong bối cảnh đó, ngày 19/11/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn nông nghiệp mùa Thu 2020 với chủ đề: “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Diễn đàn là sự kiện lớn nhất trong năm của chuỗi các Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam (VAPF), là nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người nông dân, giới truyền thông nhằm mục đích cùng nhau thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Xuân Việt - Điều phối Chương trình và chiến dịch của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ. Nông nghiệp dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ là một thách thức không nhỏ khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung và là nguyên nhân cơ bản làm cho hiệu quả kinh tế thấp. Với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, thách thức về hội nhập của nông sản Việt Nam cũng là vấn đề đáng chú ý. Mặc dù tự hào đứng thứ 15 trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, xuất khẩu nông sản đi gần 190 nước trên toàn cầu, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với gần 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài. Mặt khác, nông nghiệp Việt Nam phải chịu một áp lực rất lớn khi một số hiệp định thương mại tự do được thực hiện, thị trường nội địa cũng bị đe dọa nếu không tổ chức một giải pháp sản xuất tốt nhất.

Một khó khăn nữa của nông nghiệp Việt Nam là tình hình thiên tai tại Việt Nam ngày một bất thường hơn; phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ ở khu vực nông thôn, là chủ nhân của những nông hộ quy mô sản xuất nhỏ đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước đói nghèo, thiên tai và các tác động của đại dịch Covid-19... là hàng loạt những khó khăn mà theo ông Vũ Xuân Việt là cần những chính sách và giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ và thảo luận một số báo cáo chính: “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của TS Đào Thế Anh - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; “Tác động của Covid-19, cách thức ứng phó và đề xuất chính sách - câu chuyện thực tiễn từ doanh nghiệp” của ông Nguyễn Văn Thứ - Công ty CG Food; “Xu hướng dịch chuyển lao động ở khu vực cao su tiểu điền và chính sách thích ứng trong bối cảnh Covid-19 - Nghiên cứu trường hợp cao su tiểu điền Bình Dương” của TS Hoàng Thị Thu Huyền - Trung tâm Kinh tế học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; “Chính sách đất nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” của đại diện VEPR; “Quyền đất đai nhằm giải phóng thị trường đất đai, phát triển ngành nông nghiệp” của ThS Trương Quốc Cần - Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế xã hội nông thôn và miền núi; “Đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và giải pháp giảm thiểu rủi ro bền vững tại huyện bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” của ông Tôn Thất Lộc - Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.

VVH
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)