Thứ năm, 19/11/2020 13:51

Tăng cường hợp tác thúc đẩy sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng ASEAN

Trong khuôn khổ các sự kiện trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ngày 18/11, Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức khai mạc hội thảo quốc tế “Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần trong khu vực ASEAN”.

Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú, Trưởng đại diện WHO Kidong Park, Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara, cùng 150 đại biểu thuộc 10 quốc gia ASEAN và các đối tác đã tham gia thảo luận về thực trạng và xu hướng già hóa trong khu vực ASEAN, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, nhờ thành tựu của phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ con người ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng gia tăng. Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu có ý nghĩa và tác động lớn nhất trên thế giới hiện nay. Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của già hóa dân số.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, phát huy vai trò và chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, trong đó có chăm sóc y tế và không ai bị bỏ lại phía sau. Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay luôn kính trọng người cao tuổi. Nhiều chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi đã được Việt Nam ban hành và thực hiện".

Sự chuyển đổi nhân khẩu do già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Vì vậy, việc tăng cường phối hợp liên ngành cùng sự chung tay của các lĩnh vực tư nhân, các tổ chức, các bên liên quan nhằm xây dựng một xã hội già hóa năng động và khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Tại Hội thảo, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà phần lớn là do mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Các quốc gia ASEAN cần phải tính đến một mô hình mới có khả năng tích hợp vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi. Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng và nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 của cộng đồng ASEAN, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong những nỗ lực phát triển của khu vực.

Với chủ đề ASEAN "Gắn kết và đáp ứng", các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra các khuyến nghị về việc thúc đẩy các ứng phó có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng già hóa dân số dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng, qua đó thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh cho cộng đồng ASEAN gắn kết và đáp ứng trong việc thúc đẩy quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh.

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)