Thứ hai, 03/08/2020 15:14

Yên Bái: Từng bước nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ

Tại tỉnh yên Bái, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về KH&CN, trong đó có hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực SHTT. Trong những năm qua, Sở KH&CN đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, các đơn vị tổ chức thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về SHTT; tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Thông qua các dự án được triển khai thuộc Chương  trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), đã tạo ra một hướng đi mới cho địa phương trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng và phát triển TSTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về SHTT trên địa bàn tỉnh...

Hội nghị tập huấn về SHTT do Sở KH&CN tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái

Năm 2019, Sở KH&CN đã tăng cường sự phối hợp với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục SHTT tổ chức 3 hội nghị tập huấn về "Xác lập, quản lý, khai thác và phát triển TSTT cho sản phẩm đặc sản địa phương" với hơn 140 đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh. Tư vấn và hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường, kết quả đã có 10 tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với 1 kiểu dáng công nghiệp và 9 nhãn hiệu.

Sở KH&CN cũng đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì triển khai thực hiện 8 dự án về bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương, bao gồm 5 dự án về xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận ("Cá hồ Thác Bà" cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, "Gà xương đen Mù Cang Chải" tỉnh Yên Bái, “Vịt bầu Lâm Thượng” huyện Lục Yên, "Khoai sọ nương Trạm Tấu" tỉnh Yên Bái và nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm được sản xuất và chế biến từ cây quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái); 1 dự án về xây dựng Nhãn hiệu tập thể (“Thịt hun khói Mường Lò” cho sản phẩm thịt hun khói của vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái); 2 dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý ("Măng tre Bát Độ Yên Bái" cho sản phẩm Măng tre Bát Độ của tỉnh Yên Bái, "Mật ong Mù Cang Chải"). Phối hợp thực hiện dự án "Bảo hộ và quản lý Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ba ba gai Văn Chấn - Yên Bái" thuộc Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020. Đến hết năm 2019, tỉnh Yên Bái đã có 17 sản phẩm được bảo hộ SHTT gồm: chỉ dẫn địa lý 3 sản phẩm (quế Văn Yên, gạo Mường Lò, tre Bát độ); nhãn hiệu chứng nhận 6 sản phẩm (chè Suối Giàng - Yên Bái, Sơn tra - Mù Cang Chải, bưởi Đại Minh - Yên Bình, cá Hồ Thác Bà, gà xương đen - Mù Cang Chải, vịt Bầu  - Lâm Thượng); nhãn hiệu tập thể có 8 sản phẩm (cam Lục Yên, cam Văn Chấn, gạo Bạch Hà - Yên Bình, gạo Nếp Tú Lệ - Văn Chấn, miến đao - Giới Phiên, gạo Hương Chiêm - Đại Phú An, thịt hun khói Mường Lò, hồng chùm không hạt - Lục Yên).

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)