Thứ tư, 10/10/2018 19:26

Tổn thất kinh tế do hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với ngành công nghiệp và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh CPTPP

Nguyễn Hữu Cẩn, Vũ Thị Hân

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (GMNH) gây ra tổn thất nhiều mặt đối với kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, khó có thể đo lường những tổn thất này một cách đầy đủ nhằm hoạch định và thực thi những chính sách thích hợp đối với vấn đề này. Trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những quan điểm nghiêm khắc về hàng hóa GMNH, bài viết phân tích những ảnh hưởng tiêu cực của loại hàng hóa này đối với ngành công nghiệp và đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nạn GMNH ở Việt Nam.

Mở đầu

Hàng hóa GMNH bị coi là có tác động tiêu cực về nhiều mặt đối với nền kinh tế, như làm triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo và đầu tư cho sáng tạo (vốn là công cụ để phát triển kinh tế), phá hoại thị trường cạnh tranh lành mạnh (vốn là môi trường thiết yếu của hoạt động kinh doanh), cản trở hoạt động phổ biến và chuyển giao công nghệ (vốn là yếu tố then chốt của thu hút đầu tư phát triển, nâng cao nội lực...). Vì vậy, trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây, việc lượng hóa quy mô và ảnh hưởng của hàng hóa GMNH đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội là chủ đề được quan tâm nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực. Chẳng hạn, nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) (2008) cho biết, năm 2005 giá trị của hàng hóa GMNH trong thương mại quốc tế lên tới 200 tỷ USD, chiếm 2% thương mại hàng hóa toàn cầu và đến năm 2007 con số này là 250 tỷ USD [1]. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh (2000), hàng hóa GMNH làm suy giảm hoạt động đầu tư của khu vực châu Âu dẫn tới GDP bị giảm sút tới 8 tỷ Euro [2]. Còn theo Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) (2016), trong giai đoạn 2008-2013, riêng trong lĩnh vực dược phẩm, thuốc GMNH đã gây tổn thất trực tiếp về doanh thu của các nhà sản xuất và bán buôn ở khu vực châu Âu ước tính khoảng 10,2 tỷ Euro (tương đương 4,4% doanh thu), khiến gần 38 nghìn lao động bị mất việc làm [3]. Nghiên cứu mới đây của Tổ chức hoạt động ngăn chặn hàng giả và xâm phạm bản quyền (BASCAP) và Hiệp hội nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (INTA) năm 2016 còn cho biết tổng quy mô sản xuất và tiêu dùng hàng hóa GMNH và sao chép lậu ở các nước OECD năm 2013 là khoảng 249-456 tỷ USD và những tổn thất to lớn về kinh tế vĩ mô khác như đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc làm, thuế ở những nước này năm 2013 và dự báo tới năm 2022 (bảng 1) [4].

Bảng 1. Chi phí kinh tế do hàng hóa GMNH đối với nền kinh tế của các nước OECD.              

Đơn vị tính: USD              

Quy mô/tổn thất

Năm 2013

Năm 2022 (dự báo)

Quy mô sản xuất và tiêu dùng hàng hóa GMNH

249-456 tỷ

524-959 tỷ

Tổn thất về đầu tư trực tiếp nước ngoài

111 tỷ

231 tỷ

Tổn thất về thuế

96-13 tỷ

199-270 tỷ

Tổn thất về việc làm

18-23 triệu

38-49 triệu

Hàng hóa GMNH còn có nhiều tác động ngoại ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng và xã hội. Theo nghiên cứu của BASCAP&INTA (2016), năm 2012 có hơn 17 nghìn người bị chết ở Nga là do sử dụng đồ uống có cồn GMNH; theo ước tính của Interpol hàng năm có khoảng hơn một triệu người chết vì sử dụng thuốc GMNH; ở châu Phi, riêng năm 2013 có khoảng 120 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi bị chết vì sử dụng thuốc chống sốt rét GMNH... [4]. Những hàng hóa GMNH như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón... khi được sử dụng cũng có thể hủy hoại đất đai, gây ô nhiễm môi trường ở quy mô rộng lớn; nhiều báo cáo về tổn thất mùa màng liên quan đến việc sử dụng hóa chất GMNH đã được công bố ở Trung Quốc, Nga, Ukraina và Italia [1].

Những số liệu thống kê trên đây không thể phản ánh một cách đầy đủ và có hệ thống về tác động tiêu cực nhiều mặt của hàng hóa GMNH đối với kinh tế - xã hội. Những chi phí kinh tế do hàng hóa GMNH đối với nhà sản xuất hàng hóa chính hiệu còn có thể bao gồm chi phí cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm chống lại sự hiện diện của hàng hóa GMNH, bao gồm chi phí thay đổi mẫu mã sản phẩm, bao gói; chi phí điều tra, phân tích, kiện tụng; chi phí hỗ trợ cơ quan thực thi trong việc phát hiện, xử lý hàng hóa GMNH; chi phí tổ chức các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa chính hiệu và hàng hóa GMNH; chi phí do tổn thất về uy tín do bị người tiêu dùng “quay lưng” với hàng hóa chính hiệu... Những chi phí này có thể làm cho nhà sản xuất hàng hóa chính hiệu phải thu hẹp quy mô sản xuất, rời ngành hoặc thậm chí phá sản.

Tổn thất kinh tế do hàng hóa GMNH đối với ngành công nghiệp

Hàng hóa GMNH hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, phổ biến nhất là các ngành công nghiệp như quần áo và đồ thời trang; hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; hàng điện tử gia dụng và linh kiện điện; thực phẩm và đồ uống; các vật phẩm cá nhân; dược phẩm; thuốc lá; đồ dùng gia đình; các lĩnh vực khác như mỹ phẩm, đồ chơi, thiết bị vệ sinh... [1]. Đồng thời, hàng hóa GMNH dường như cũng được tiêu thụ ở hầu hết thị trường trên thế giới, nhất là ở thị trường các nước đang phát triển thuộc châu Á, Phi và khu vực Mỹ Latin.

Trên thế giới, khái niệm về hàng hóa giả mạo được hiểu theo những nội hàm tương đối khác nhau. Trong đó, CPTPP quy định hàng hóa GMNH là hàng hóa bất kỳ, bao gồm bao gói, mang nhãn hiệu trùng hoặc không thể phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho hàng hóa đó, và do đó xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu liên quan (Điều 18.76). Xét về đặc tính, hàng hóa GMNH gồm có hai loại: lừa dối và không lừa dối người tiêu dùng. Tương ứng với những đặc tính nêu trên, thị trường hàng hóa GMNH cũng gồm có hai loại là sơ cấp và thứ cấp. Nhà sản xuất hàng hóa chính hiệu không chỉ bị tổn thất về doanh thu trên thị trường sơ cấp mà còn bị tổn thất cả trên thị trường thứ cấp.

Tổn thất kinh tế do hàng hóa GMNH đối với ngành công nghiệp thực chất là chi phí cơ hội của ngành do các doanh nghiệp công nghiệp thuộc ngành phải sử dụng các nguồn lực đầu vào theo một cách nào đó cho việc sản xuất và/hoặc phân phối một khối lượng hàng hóa [3], do đó phải từ bỏ việc sử dụng các nguồn lực này theo những cách khác. Khoản lợi nhuận bị tổn thất do sự xuất hiện của hàng hóa GMNH, khoản chi chí phát sinh cho việc phát hiện, xử lý hành vi GMNH, cho việc nâng cao nhận thức của công chúng, cho hoạt động quảng cáo, tuyên truyền... là những khoản chi phí cơ hội mà đáng lẽ doanh nghiệp có thể sử dụng để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự tổn thất về lực lượng lao động thuộc ngành cũng là một loại tổn thất kinh tế do sự xuất hiện của hàng hóa GMNH. Tổn thất kinh tế đối với ngành công nghiệp được đo lường bằng tổn thất về doanh thu và tổn thất về việc làm do sự xuất hiện của hàng hóa GMNH trên thị trường. Việc tính toán những tổn thất này được thực hiện với dữ liệu ở cấp độ ngành mà không phải là ở cấp độ doanh nghiệp. Còn tổn thất về việc làm được tính toán dựa trên tỷ lệ giữa doanh thu và số lượng lao động việc làm thực tế của ngành công nghiệp[1].

Tổn thất về doanh thu của ngành công nghiệp được coi là chịu tác động gián tiếp của các nhân tố kinh tế - xã hội (chẳng hạn thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng GDP, tỷ giá hối đoái, tăng trưởng dân số...) và trực tiếp của các nhân tố liên quan tới hàng hóa GMNH (chẳng hạn tỷ lệ dân số nghèo, chỉ số mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI), trình độ học vấn của dân cư, chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), chỉ số hiệu lực bảo hộ quyền SHTT (IPRI), chỉ số năng lực điều hành của chính quyền (WGI), tỷ trọng chi tiêu công cho ngành so với GDP...). Mối quan hệ nêu trên trên được thể hiện bằng mô hình: q*it = α*Xit + β*Zit + εit, trong đó: Xit là nhóm biến độc lập về kinh tế - xã hội; Zit là nhóm biến độc lập liên quan tới hàng hóa GMNH; α, β là các hệ số hồi quy tương ứng với các nhóm biến độc lập; εit là hệ số nhiễu trong mô hình.

Dựa trên những nguồn dữ liệu thứ cấp thích hợp (chẳng hạn của Tổng cục Thống kê, UNDP, Transparency International, Property Rights Alliance, WB, WIPO, UN), chúng tôi tiến hành phân tích tổn thất kinh tế do thuốc GMNH đối với trường hợp ngành công nghiệp dược phẩm ở Việt Nam[2] trong giai đoạn 2012-2016 bằng phương pháp phân tích hồi quy đa biến stepwise. Kết quả phân tích cho biết, với mẫu khảo sát, tổn thất về doanh thu chịu tác động của mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập và chất lượng môi trường.

Xét về xu hướng, kết quả phân tích cho biết nếu mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập tăng thêm 1 đơn vị sẽ làm cho tổn thất về doanh thu tăng thêm từ 0,797 đến 1,645 đơn vị; nếu chất lượng môi trường tăng thêm 1 đơn vị sẽ làm cho tổn thất về doanh thu tăng thêm 0,031-0,223 đơn vị [5]. Nói cách khác, phân phối thu nhập càng bất bình đẳng, chất lượng môi trường càng giảm sút thì ngành công nghiệp dược càng bị tổn thất về doanh thu và ngược lại. Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2016 với hệ số mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập giảm trung bình 2,4%, hệ số chất lượng môi trường tăng 7,16%, thì doanh thu của ngành công nghiệp dược chịu tổn thất trung bình là -1,99%, tương ứng với tổn thất 0,37 tỷ USD.

Bối cảnh CPTPP và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp định CPTPP được phát triển trên cơ sở Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, bao gồm những cam kết nhằm mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Hiệp định này dành trọn vẹn một chương (Chương 18) về vấn đề SHTT, trong đó đặc biệt quan tâm tới hàng hóa GMNH. CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải có các chế tài hành chính, dân sự và hình sự để xử lý hành vi GMNH. Theo thủ tục dân sự, cơ quan tư pháp có thẩm quyền buộc hàng hoá GMNH phải bị tiêu huỷ mà không được đền bù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như buộc vật liệu và phương tiện được sử dụng để sản xuất hoặc tạo ra các hàng hoá GMNH cũng phải bị tiêu huỷ hoặc phân phối ngoài các kênh thương mại theo cách thức giảm thiểu nguy cơ xâm phạm (Điều 18.74.12). Chủ thể quyền phải được bồi thường thiệt hại quy định trước hoặc bồi thường thiệt hại bổ sung (Điều 18.74.7); người xâm phạm phải trả cho chủ thể quyền lợi nhuận thu được từ việc xâm phạm, đồng thời cơ quan thực thi có quyền áp dụng các biện pháp tạm thời, biện pháp hành chính như đình chỉ thông quan, hoặc thu giữ bất kỳ hàng hóa nào bị nghi ngờ là GMNH được nhập khẩu vào nội địa, kể cả tập kết để xuất khẩu hoặc quá cảnh (Điều 18.75.3, 18.76). Theo CPTPP, việc phân phối hoặc bán hàng hóa GMNH, nhất là cố ý nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hoá GMNH, ở quy mô thương mại bị coi là hành vi trái pháp luật phải bị xử lý hình sự (Điều 18.77.2).

Như vậy, có thể thấy rằng CPTPP đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc đối với hàng hóa GMNH vì mối nguy hại không thể đo lường đầy đủ của loại hàng hóa này đối với kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự thịnh vượng trên bình diện quốc tế. Mặc dù theo đánh giá của OECD (2008), Việt Nam (với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200 USD, với khả năng về vốn, công nghệ hạn chế) chưa phải là nguồn cung chủ yếu của hàng hóa GMNH nhưng không phải không tồn tại thị trường hàng hóa GMNH. Hơn nữa, nằm trong khu vực châu Á - nơi có nhiều nguồn cung chủ yếu về hàng hóa GMNH, Việt Nam còn chịu tác động ngoại ứng từ việc vận chuyển, phân phối, nhập khẩu hàng hóa GMNH qua biên giới hoặc quá cảnh tạm thời, nghĩa là sự xuất hiện hàng hóa GMNH trên thị trường nội địa còn có nguyên nhân quan trọng từ ảnh hưởng của việc vận chuyển hàng hóa GMNH bằng nhiều con đường khác nhau từ các nước lân cận vào Việt Nam.

Vì vậy, để thực hiện các cam kết của CPTPP, đồng thời giảm bớt tổn thất kinh tế do hàng hóa GMNH gây ra đối với các ngành công nghiệp ở nước ta nói chung, ngành dược nói riêng, trước hết các chính sách được ban hành ở nước ta trong thời gian tới cần chú ý tới những nhân tố trực tiếp tác động tới việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa GMNH, đó là đặc tính của thị trường; thực lực về công nghệ và logistic của nhà sản xuất và thói quen mua sắm của người tiêu dùng; môi trường thể chế bảo hộ SHTT. Đối với thị trường sơ cấp, việc nâng cao hiệu lực bảo hộ quyền SHTT và giáo dục nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phân biệt hàng hóa GMNH cho người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu cơ chế lừa dối của nhà sản xuất hàng hóa GMNH; còn đối với thị trường thứ cấp, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng logistic đối với nhà sản xuất hàng hóa chính hiệu để có chiến lược giá thỏa đáng nhằm tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với hàng hóa chính hiệu sẽ làm nhụt chí nhà sản xuất hàng hóa GMNH. Hai là, thái độ kiên quyết trong việc xử lý hàng hóa GMNH thông qua các biện pháp chế tài hành chính, dân sự, hình sự và việc nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi quyền SHTT cần là một trong những ưu tiên về chính sách nhằm phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng diễn biến phức tạp của tệ nạn hàng hóa GMNH, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp có ảnh hưởng tới an ninh, an toàn, sức khỏe nhân dân. Ba là, riêng đối với ngành công nghiệp dược phẩm, việc gia tăng mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập của các tầng lớp dân cư, cải thiện chất lượng môi trường sống sẽ trực tiếp giảm thiểu tổn thất kinh tế của ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển đến năm 2035 này. Đồng thời, trong bối cảnh kênh bệnh viện là thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc điều trị chuyên khoa sâu, trong khi kênh bán lẻ là thị trường chủ yếu của thuốc thông thường, người tiêu dùng còn dựa nhiều vào các nguồn thông tin không chính thức (không dựa trên tư vấn của bác sỹ) liên quan tới sức khỏe của mình, thì công tác tuyên truyền về thuốc GMNH thông qua các kênh nêu trên cần được tăng cường hơn nữa để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định lựa chọn thuốc hợp lý, an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] OECD (2008), The economic impact of counterfeiting and piracy, http://www.oecd.org/document/4/0,3343,en_2649_34173_40876868_1_1_1_1,00.html.

[2] CEBR (2000), The impact of counterfeiting on four key sectors in the European Union, Centre for Economic and Business Research, London.

[3] EUIPO (2016), The economic cost of IPR infringement in the pharmaceutical industry, https://euipo.europa.eu/ohimportal/en/web/observatory/ipr-infringement-pharmaceutical-sector.

[4] BASCAP & INTA (2016), The economic impacts of counterfeiting and piracy, frontier economics.

[5] Antonio Angelino, Do Ta Khanh, Nguyen An Ha và Tuan Pham (2017), “Pharmaceutical industry in Vietnam: sluggish sector in a growing market”, International Journal of Environmental Research and Public Health, 14(9), doi:10.3390/ijerph14090976.



[1]Theo nguyên tắc trên, tổn thất kinh tế của ngành công nghiệp chỉ giới hạn đối với hoạt động sản xuất, phân phối trong nội địa của doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp. Những tổn thất khác, chẳng hạn do hàng hóa GMNH xuất hiện ở thị trường nước ngoài làm suy giảm sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp công nghiệp, chi phí gián tiếp đối với những ngành công nghiệp liên quan tới ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa chính hiệu, sự giảm sút nguồn thu thuế của Chính phủ, những hậu quả về sức khỏe, an toàn đối với người tiêu dùng, các tác động ngoại ứng tiêu cực đối với môi trường... cũng gây tổn thất kinh tế nhưng không được xem xét tới, nghĩa là tổn thất thực sự do hàng hóa GMNH đối với ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa chính hiệu có thể lớn hơn nhiều so với kết quả ước lượng.

[2]Trong lĩnh vực dược phẩm, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất ở châu Á trong suốt giai đoạn 2011-2015 và dự báo còn tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ như vậy trong 20 năm tới.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)