Nhằm bảo tồn đền Quy Lĩnh, mới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu đã phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa di tích đền Quy Lĩnh gắn với phát triển du lịch”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, khoa học đến từ các đơn vị nghiên cứu, các sở, ban ngành của tỉnh Nghệ An...
Cách đây vài ba chục năm, nhân dân vùng Kẻ Mơ với sự ngưỡng vọng một di sản tâm linh độc đáo đang bị mai một nên đã cùng chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm góp công, góp của trùng tu, tôn tạo trên cơ sở nền móng hình hài cũ còn lại, dựng nên một ngôi Đền mới với hậu cung, tam tòa, tam quan, cho đến hoành phi câu đối, bài vị, linh khí thờ cúng đều được phụng dựng theo phong cách kiến trúc như cũ, kể cả giếng nước ngọt cổ bị lấp được khai mở trở lại. Một cái giếng cổ xây bằng đá, hình vuông, nước ngọt mát lịm dù cách bờ biển chưa đầy trăm mét, bốn mùa trong xanh không bao giờ cạn. Hậu cung nằm lọt thỏm trong vòm đá, giống như mai rùa xòe ra che chở cho ngôi Đền. Trong hậu cung có vật thiêng là một khúc gỗ, hình thù tự nhiên, thời gian đã phủ lên màu cổ kính. Đó là vật linh của ngôi Đền, là sự hiện hữu của sự tích, dấu tích của lịch sử…
Tại Hội thảo, tham luận của các đại biểu đã tổng hợp, phân tích, đánh giá giá trị văn hóa, tính lịch sử của đền Quy Lĩnh. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị giúp Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan hữu quan của tỉnh Nghệ An đưa ra các quyết sách đúng đắn nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị di tích của Đền trong việc phát triển du lịch bền vững ở huyện Quỳnh Lưu nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An nói chung. Để Quỳnh Lưu xứng danh là mảnh đất “Địa Linh Nhân Kiệt” của tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Khải