Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông Erlan Baizhanov - Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, ông Aleksander Cardo-Sysoev - Phó Tham tán thương mại LB Nga tại Việt Nam, ông Denis Nicolaev - Tham tán kinh tế - thương mại Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương)…
Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) là một liên kết kinh tế khu vực SNG bao gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ (LB Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgystan), được xây dựng dựa trên nền tảng của Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, song Liên minh này có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển của các quốc gia thành viên thuộc Liên Xô cũ nhằm hướng tới một không gian kinh tế thống nhất và hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới. EAEU là khu vực có quan hệ chính trị - kinh tế đặc biệt đối với Việt Nam. Các nước thành viên của Liên minh đều là những đối tác truyền thống của Việt Nam từ thời Xô Viết. Sau một thời gian ngưng trệ trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh, hiện nay thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu với thị trường Việt Nam mang những sắc thái vừa lạ, vừa quen đối với nhau. Với chủ trương hội nhập sâu và rộng của LB Nga nói riêng và các nước trong EAEU nói chung với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng của các nước thành viên Liên minh ở khu vực này cả về khía cạnh chính trị lẫn kinh tế. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thuộc EAEU thâm nhập vào thị trường khu vực ASEAN rộng lớn. Đối với Việt Nam, việc khôi phục và phát triển các thị trường truyền thống ở khu vực SNG được coi trọng nhằm đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tạo cơ hội cho thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước..
Với dân số trên 180 triệu người, chiếm gần 20% diện tích đất liền trên thế giới với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam, Liên minh là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa nông - thủy sản, dệt may, giày dép… của Việt Nam, cũng như là nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ, chất lượng cao cho Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đứng khoảng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU và đứng khoảng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang EAEU.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Hiệp định này có ý nghĩa chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EAEU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Hiệp định này cũng là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Liên minh.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam và các đối tác ở EAEU đều là những đối tác truyền thống lâu đời với tình hữu nghị trải qua thử thách về thời gian, có nền kinh tế với cơ cấu mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, với những ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU đã được thực thi hơn 3 năm và đã có những kết quả khả quan nhất định.
Về thương mại dịch vụ giữa Việt Nam với EAEU, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ giữa Việt Nam và EAEU còn rất khiêm tốn. Thương mại dịch vụ chủ yếu diễn ra giữa Việt Nam và LB Nga. Hiện tại, thương mại dịch vụ giữa Việt Nam và LB Nga đã được triển khai trên hầu hết các phân ngành dịch vụ, cụ thể là tài chính, giáo dục, du lịch giải trí, văn hóa, thể thao, vận tải, tư vấn - chuyên gia… nhưng mức độ hợp tác trong mỗi phân ngành không đều nhau. Phương thức tiến hành chủ yếu theo phương thức hiện diện thương mại (ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, khách sạn…), tiêu dùng ngoài lãnh thổ (du lịch, giáo dục) và di chuyển thể nhân, song theo từng phương thức, quy mô còn nhỏ và loại hình dịch vụ trao đổi còn ít, chưa đa dạng. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam với khu vực này vẫn thiếu ổn định, chưa tương xứng với quá khứ, tiềm năng và vị thế chiến lược như các bên mong muốn.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ ý kiến về những khó khăn, rào cản khi thâm nhập thị trường của nhau. Các chuyên gia, nhà khoa học phía các nước EAEU chỉ ra những rào cản bảo hộ trên thị trường nông sản thực phẩm Việt Nam còn nhiều như thủ tục hải quan, thanh toán, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và một số mức thuế còn cao. Các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ của Việt Nam với EAEU, đặc biệt đối với một số loại hình dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong thời gian qua như du lịch, giáo dục và vấn đề di chuyển lao động.
Với tâm huyết và nỗ lực của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hy vọng trong thời gian tới, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EAEU sẽ có những bước phát triển mới về chất để tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các bên.
VVH