Trong 2 năm thực hiện, qua nghiên cứu và khảo sát 10 tỉnh/thành phố, 50 doanh nghiệp FDI và 200 doanh nghiệp nội địa; khảo sát thực tế và học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc; lấy ý kiến chuyên gia tại các cuộc Hội thảo, Tọa đàm do đề tài tổ chức, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kết quả nghiên cứu quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở lý thuyết về kết nối kinh tế, cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chủ trương, chính sách cho việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn tới.
Kết nối kinh tế giữa hai quốc gia được hiểu như một dạng hợp tác song phương, trong đó các quốc gia dựa trên sự tương đồng về mặt địa lý, văn hoá, tính bổ trợ của nền kinh tế hợp tác toàn diện với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi, đề tài đã triển khai nghiên cứu thực trạng kết nối kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ở cấp độ vĩ mô gồm quan hệ thương mại, đầu tư trực tiếp, ODA giữa hai nước và ở cấp độ vi mô gồm hợp tác giữa các địa phương và hợp tác ở cấp độ doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, những năm qua việc kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam như mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, xã hội; thúc đẩy phát triển nông lâm, ngư nghiệp và công nghiệp; giúp xóa đói giảm nghèo... Từ năm 2007, trao đổi và hợp tác giữa các địa phương của Nhật Bản và Việt Nam là một xu hướng mới và đến nay, 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 11 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc tỉnh của Việt Nam và 16 quận, 12 thành phố và 1 thị trấn của Nhật Bản đã trao đổi tổng cộng 37 bản ghi nhớ hợp tác. Nhờ đó, đã tăng cường được sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần khôi phục kinh tế địa phương, thúc đẩy văn hoá dựa trên đặc điểm, tiềm năng của từng vùng, đồng thời khai thác triệt để thế mạnh của các địa phương nhằm tăng cường tính bổ trợ trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng lưu ý, việc kết nối kinh tế Việt Nam và Nhật Bản chưa đạt được kết quả như mong đợi như liên kết giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước còn thiếu và yếu; chưa nâng cao được nội lực cho các doanh nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước; hợp tác ở cấp độ địa phương mới chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định có hiểu biết và mối quan hệ kinh tế - lịch sử lâu năm và điều kiện kinh tế phát triển và chủ yếu dưới các hình thức như trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục, gặp gỡ các cấp (lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp), xúc tiến thương mại… mà chưa đi vào chiều sâu... Nhìn chung, kết quả hợp tác còn thấp so với tiềm năng của hai nước. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nhìn nhận toàn diện các nhân tố tác động tới việc kết nối kinh tế giữa hai nước, phân tích các yếu tố thuận lơi và khó khăn, cơ hội và thách thức của việc tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp có tính khả thi đối với chính phủ hai nước và các doanh nghiệp, trong đó nhóm giải pháp về cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cần được chú trọng hàng đầu. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là thời điểm lịch sử quan trong để Việt Nam có thể tạo ra giá trị bên trong nhờ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với kết quả nghiên cứu và nhiều sản phẩm đầu ra vượt trội, Hội đồng cấp quốc gia đã đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.
Hương Lan