Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký ngày 6/11/2019 về Hợp tác đổi mới công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (MOST) và Cơ quan Công nghệ Cộng hòa Séc (TACR), hai Bên tổ chức tổ chức kêu gọi đề xuất các dự án nghiên cứu chung năm 2020 (Chương trình Delta 2).
Hai Bên thông báo để các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp hai nước gửi đề xuất các dự án hợp tác nghiên cứu chung nhằm thúc đẩy hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
1. Các lĩnh vực ưu tiên
Các đề xuất hợp tác phải thuộc 1 trong 5 lĩnh vực sau, các đề tài thuộc các lĩnh vực khác sẽ không được xem xét:
- Lĩnh vực công nghệ nano và vật liệu tiên tiến: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác về nghiên cứu, chế tạo vật liệu nano ứng dụng trong thiết bị tạo nước sạch từ năng lượng mặt trời, thiết bị quang điện, trong lĩnh vực quang điện tử; trong xử lý môi trường (chất thải rắn, rác thải hỗn hợp sinh hoạt, ô nhiễm nguồn nước), máy in 3D; các loại vật liệu tiên tiến trong y sinh; vật liệu xây dựng, siêu nhẹ, cách âm, cách nhiệt. Chế tạo và phát triển ứng dụng vật liệu graphene; Siêu vật liệu điều khiển tán xạ điện từ.
- Lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) và dược phẩm: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về: CNSH trong chọn tạo và nhân giống cây trồng nông lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản; sản xuất chế phẩm bảo vệ thực vật, thuốc thay thế kháng sinh, chế phẩm bổ trợ ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, xử lý môi trường, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; các bệnh lây truyền từ động vật sang người (công nghệ chế tạo, sản xuất kháng thể đơn dòng, sản xuất vắc-xin tái tổ hợp, protein tái tổ hợp, phát triển kit chẩn đoán, thuốc điều trị ở người và động vật); công nghệ chế tạo, sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và dược liệu; công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; hóa dược (công nghệ bảo chế dược phẩm); công nghệ sản xuất các dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên; CNSH trong xử lý nước, xử lý chất thải rắn, xử lý rác thải công nghiệp.
- Lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và thủy sản: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về: công nghệ cao trong trồng trọt và canh tác cây trồng nông lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản) và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản (cây trồng, vật nuôi...) thủy sản, lâm sản, công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc, thủy sản; công nghệ trong chế biến gỗ; công nghệ bảo quản, chống mối, mọt thế hệ mới.
- Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông: Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về: bảo đảm an ninh mạng, an toàn và bảo mật thông tin cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu; công nghệ mô phỏng, giám sát và phòng thủ an ninh mạng; công nghệ nguồn phục vụ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển mạng 5G; điều khiển tự động, rô-bốt trong không gian; chụp và xử lý dữ liệu viễn thám bằng công nghệ SAR cho quản lý, phát triển đô thị thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và xử lý thảm họa, quốc phòng, an ninh; ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, ứng phó với thảm họa phóng xạ, an toàn năng lượng, sự cố môi trường; hệ thống thông tin tích hợp hỗ trợ ra quyết định, điều hành quản lý.
- Nghiên cứu ứng dụng ứng phó với dịch Covid 19 (trừ nghiên cứu thuốc và thử nghiệm lâm sàng): Ưu tiên xem xét các đề tài hợp tác nghiên cứu, ứng dụng về: sinh học phân tử và các phương pháp chẩn đoán Covid-19; đặc điểm dịch tễ học và vi rút học bệnh viêm đường hô hấp do Sars-Covi-2 gây ra; sản xuất vật tư, thiết bị, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (sản xuất máy thở, hệ thống khử trùng, kháng thể đơn dòng...); sự lưu hành Sars-CoV-2 ở động vật, đặc điểm hệ gen Sars-Covi-2, đặc điểm hệ gen người mắc Covid-19, y tế cộng đồng liên quan đến Covid-19.
2. Thời gian thực hiện dự án và kinh phí
Trên cơ sở chương trình kêu gọi chung, hai bên xem xét lựa chọn không quá 10 nhiệm vụ để tài trợ kinh phí thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2021. Tổng kinh phí tài trợ phía Séc cho Chương trình DELTA 2 tối đa là 17,2 triệu USD. Phía Việt Nam sẽ cấp kinh phí đối ứng cho các dự án dưới dạng nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư theo quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BKHCN.
Các dự án có thời gian thực hiện tối đa là 3 năm.
3. Yêu cầu chung khi nộp đề xuất
Chương trình Delta 2 tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, do đó trong lần kêu gọi chung năm 2020 yêu cầu đối tượng tham gia của mỗi Bên phải có ít nhất 01 doanh nghiệp tham gia (trường Đại học, Viện nghiên cứu có thể chủ trì nhiệm vụ, doanh nghiệp tham gia phối hợp cùng thực hiện).
Mỗi đề xuất phải được nộp đồng thời cho các cơ quan có thẩm quyền điều phối Chương trình hợp tác về KH&CN phía Cộng hòa Séc và Việt Nam. Đề xuất chỉ nộp cho một phía sẽ không được xem xét.
4. Yêu cầu đối với đề xuất
Phía Cộng hòa Séc
Các yêu cầu đối với đề xuất tham gia Chương trình Delta 2 được thông tin tại website: https://www.tacr.cz/en/delta-2-programme/
Phía Việt Nam
Nhiệm vụ nghị định thư cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo các quy định hiện hành của Bộ KH&CN, cũng như đáp ứng các điều kiện theo thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN theo nghị định thư.
Yêu cầu về sản phẩm của nhiệm vụ nghị định thư
Các sản phẩm của nhiệm vụ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, có bao gồm các dạng sản phẩm dạng I, dạng II và dạng III:
- Sản phẩm dạng I: phải là những sản phẩm tiên tiến, có chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng, có hàm lượng khoa học cao, tối thiểu bằng hoặc cao hơn sản phẩm hiện có trên thị trường; ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN có thể đăng ký được các sản phẩm về bảo hộ/sở hữu trí tuệ/quyền tác giả.
- Sản phẩm dạng II: các quy trình công nghệ tiên tiến, ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN sản phẩm có các công nghệ hoặc quy trình công nghệ có thể đăng ký được về bảo hộ/sở hữu trí tuệ/quyền tác giả.
- Sản phẩm dạng III gồm ít nhất 1-2 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN có thể đăng được các bài báo quốc tế trong danh mục ISI), 2 bài báo trên các tạp chí có uy tín trong nước do quỹ Nafosted ban hành; Góp phần đào tạo được các tiến sỹ, thạc sỹ, và kỹ sư (theo hướng luận văn tốt nghiệp thực hiện theo các nội dung của hợp tác nghị định thư).
5. Thời gian và quy trình nộp đề xuất
Từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 15 tháng 7 năm 2020
Đề xuất phải được nộp cho cơ quan điều phối hai Bên trong thời gian trên.
Phía Cộng hòa Séc
Yêu cầu nộp Đề xuất chung theo mẫu bằng tiếng Anh được ký nhận bởi các bên tham gia và các yêu cầu khác. Các ứng viên phía Séc xem thông tin tại website:
https://www.tacr.cz/soutez/program-delta-2/druha-verejna-soutez-8/
Phía Việt Nam
Hồ sơ đề xuất và quy trình tuyển chọn được quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BKHCN ngày 29/10/2019 về việc quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư và các điều kiện đối với các Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài do Bộ KH&CN quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KHCN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
Đề xuất phải kèm theo các văn bản sau:
- Bản chính thuyết minh nhiệm vụ Nghị định thư (Mẫu số 3 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BKHCN);
- Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN của tổ chức đăng ký chủ trì;
- Bản sao văn bản thỏa thuận của Tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ phía Việt Nam và đối tác nước ngoài trong đó nêu rõ: các nội dung thực hiện chính của hai bên: dự kiến kế hoạch triển khai; nguyên tắc chia sẻ kết quả nghiên cứu và dự kiến nguồn lực đóng góp của hai bên, trong đó đóng góp của đối tác nước ngoài có giá trị quy đổi, bao gồm nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực cần thiết;
- Bản chính cam kết của tổ chức đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư (Mẫu số 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BKHCN);
- Bản chính lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và bản sao lý lịch khoa học của các cá nhân đăng ký thực hiện chính nhiệm vụ Nghị định thư (Mẫu số 5 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BKHCN);
- Tài liệu liên quan khác.
Hồ sơ điện tử nộp trực tuyến theo địa chỉ: http://stm.most.gov.vn và bản gốc nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện về Bộ KH&CN, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội theo thời hạn thông báo nêu trên.
6. Quy trình đánh giá
Để nhận được hỗ trợ, các đề xuất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hợp lệ do cơ quan tài trợ của mỗi nước đưa ra. Các đề xuất dự án sẽ được đánh giá thông qua quy trình đánh giá riêng biệt của Bộ KH&CN và Cơ quan công nghệ Cộng hòa Séc, và chỉ các dự án được đồng ý tài trợ của cả hai bên mới nhận được tài trợ.
Phía Cộng hòa Séc sẽ đánh giá theo quy trình, tiêu chí do Cơ quan công nghệ Cộng hòa Séc đưa ra.
Phía Việt Nam, Bộ KH&CN sẽ đánh giá độc lập các đề xuất theo các quy trình đánh giá nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN theo Nghị định thư.
7. Thông tin liên hệ
Để biết thêm chi tiết, các ứng viên Việt Nam có thể liên hệ với:
Ông Đỗ Xuân Anh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN); Tel: (+84)986828788; Email: dxanh@most.gov.vn.
Để biết thêm chi tiết, các ứng viên Cộng hòa Séc có thể liên hệ với:
Bà Eva Pentel - Cơ quan công nghệ Cộng hòa Séc (TACR); E-mail: eva.pentel@tacr.cz; Tel.: +420 234 611 513, +420 778 732 740.