Blockchain - “cuốn sổ cái mở” tạo nguồn dữ liệu minh bạch
Công nghệ blockchain được biết đến rộng rãi bởi đây là công nghệ hỗ trợ đằng sau tiền điện tử Bitcoin và Ethereum. Ở dạng cơ bản nhất, công nghệ blockchain được xem như một cuốn sổ cái mở dùng để ghi chép và theo dõi các giao dịch được thực hiện và xác nhận trong hệ thống đồng cấp. Blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology) có liên quan khác tạo ra nguồn dữ liệu minh bạch, đáng tin cậy khi cho phép nhiều bên tham gia giao dịch kiểm tra trước, xem dữ liệu nào được ghi vào và một khi đã nhập thông tin thì không bên nào có thể thay đổi dữ liệu được nữa. Mỗi một giao dịch hay một “khối” thông tin sẽ được truyền đến tất cả thành viên tham gia hệ thống và phải được xác nhận bởi mỗi “mắt xích” thành viên thông qua những thuật toán phức tạp. Một khi “khối” đã có xác nhận thì nó sẽ được thêm vào sổ cái hoặc chuỗi thông tin.
Blockchain - công nghệ nhận được nhiều quan tâm và ứng dụng.
Từ khía cạnh thông tin, điểm sáng tạo của công nghệ này nằm ở chỗ đảm bảo được tính nhất quán của sổ cái đến từ nhiều nguồn khác nhau mà không cần cơ quan trung gian nào. Nói cách khác, các giao dịch được xác minh và có hiệu lực nhờ vào rất nhiều máy chủ. Chính bởi lý do này mà công nghệ blockchain “gần như không thể xâm nhập được”, vì khi thay đổi bất kỳ thông tin nào trong chuỗi thì sẽ phải “tấn công” đồng thời (gần như) toàn bộ các bản sao của sổ cái. Mặc dù về khái niệm cơ bản, blockchain là một mạng lưới mở và ẩn danh, nhưng cũng có những blockchain “riêng tư” nhằm sàng lọc những người được phép để quản trị sổ cái. Với những ưu diểm đó, công nghệ này nhanh chóng vượt ra ngoài phạm vi ngành công nghiệp tài chính để xuất hiện trong các ứng dụng dành cho hoạt động bảo hộ, thực thi quyền SHTT, marketing và tiếp cận người tiêu dùng.
Công nghệ blockchain hấp dẫn nhiều ngành công nghiệp khác bởi tiềm năng ứng dụng của nó (nhiều loại dữ liệu khác nhau có thể được thêm vào một blockchain từ tiền điện tử).
Khả năng ứng dụng vào hoạt động SHTT
Vẫn còn nhiều trở ngại để có thể áp dụng công nghệ này một cách rộng rãi và hợp pháp (bao gồm điều chỉnh các quy định pháp luật, an ninh dữ liệu và bảo mật quyền riêng tư). Tuy nhiên, đối với các ngành có liên quan mật thiết với SHTT thì công nghệ blockchain mang lại nhiều triển vọng trong việc bảo hộ quyền SHTT, bao gồm từ giai đoạn đăng ký xác lập quyền đến giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Quyền SHTT “thông minh”
Tiềm năng sử dụng công nghệ blockchain nhằm quản lý các quyền SHTT là rất lớn. Việc lưu thông tin SHTT vào sổ cái phân tán mà không cần lưu trữ trong cơ sở dữ liệu truyền thống có thể biến các quyền này trở thành “quyền SHTT thông minh”. Ngoài ra, ý tưởng về việc cho phép các cơ quan SHTT sử dụng công nghệ sổ cái phân tán để tạo ra “các đăng bạ quyền SHTT thông minh” dưới dạng một giải pháp tập trung hóa được vận hành bởi cơ quan SHTT (chịu trách nhiệm ghi lại một bản ghi cố định về các sự kiện trong vòng đời của một quyền SHTT được bảo hộ). Điều này bao gồm các thông tin về thời điểm nhãn hiệu lần đầu tiên được nộp đơn đăng ký, thời điểm cấp văn bằng; thời điểm sử dụng lần đầu tiên trong thương mại; thời điểm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được li-xăng…; giải quyết các vấn đề thực tiễn khi cần đối chiếu, lưu trữ và cung cấp bằng chứng. Khả năng theo dõi toàn bộ vòng đời của một quyền SHTT mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc kiểm toán quyền SHTT được dễ dàng hơn. Đồng thời giúp đơn giản hóa các hoạt động thẩm định cần thiết trước khi giao kết các thỏa thuận về SHTT như trong trường hợp sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Nỗi lo lắng về bảo mật thông tin đối với các chủ sở hữu quyền cũng được giải quyết bằng cơ chế đồng thuận đồng cấp của công nghệ blockchain.
Chứng minh hành vi sử dụng quyền SHTT
Cuốn sổ cái sẽ cho biết chủ thể quyền được trao những quyền gì, phạm vi sử dụng các quyền đó trên thị trường. Điều này đặc biệt giúp ích trong các vụ việc pháp lý có yêu cầu chứng minh hành vi sử dụng lần đầu tiên, sử dụng thực tế, hoặc trong trường hợp cần xác định phạm vi sử dụng như trong các vụ kiện tranh chấp hay các thủ tục pháp lý khác (xem xét công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu do không sử dụng). Ví dụ, thu thập thông tin về việc sử dụng nhãn hiệu trong thương mại từ đăng bạ nhãn hiệu chính thức, dựa trên công nghệ blockchain sẽ cho phép cơ quan SHTT có liên quan nắm được thông tin thực tế gần như ngay lập tức. Điều này giúp đem lại những bằng chứng về việc sử dụng thực tế và tần suất sử dụng nhãn hiệu trong thương mại đáng tin cậy, được xác nhận về thời gian và có thể chứng minh thời điểm lần đầu tiên sử dụng nhãn hiệu, nghĩa vụ sử dụng thực tế nhãn hiệu, khả năng phân biệt/ý nghĩa phái sinh hoặc lợi thế thương mại của nhãn hiệu. Tương tự như vậy, công nghệ sổ cái phân tán cũng được sử dụng để công bố các công nghệ cho việc phòng vệ như tình trạng kỹ thuật có trước, nhằm ngăn ngừa những người khác có được bằng sáng chế đối với các công nghệ này.
Chứng minh quyền tác giả
Công nghệ blockchain cũng có thể đóng vai trò quan trọng đối các quyền SHTT mà không cần thủ tục đăng ký xác lập quyền như quyền tác giả (theo pháp luật nhiều nước và theo các điều khoản của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật) và các quyền về kiểu dáng không phải đăng ký, vì công nghệ này có thể cung cấp các bằng chứng về ý tưởng, sử dụng, các yêu cầu được xác nhận (như tính nguyên gốc và ở nhiều nước có quy định về kiểu dáng lần đầu được đưa ra thị trường) và quy chế pháp lý. Khi đăng tải tác phẩm hoặc thiết kế nguyên gốc và các thông tin chi tiết về tác giả lên hệ thống blockchain thì đồng thời hệ thống cũng ghi chép thời gian khởi tạo, từ đó tạo ra bằng chứng xác thực chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm. Kho thông tin dành cho các quyền SHTT không cần thủ tục đăng ký được xây dựng trên cơ sở công nghệ blockchain đang được một số doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và có thể trở thành giải pháp hữu ích và dễ quản lý cho công tác bảo hộ quyền tác giả cũng như quản lý bản quyền nội dung số.
Hợp đồng thông minh và quản lý bản quyền nội dung số
Một khái niệm thường xuyên được nhắc đến cùng với công nghệ blockchain đó là các “hợp đồng thông minh”. Vì một số giải pháp công nghệ blockchain có thể chứa đựng, thực hiện và giám sát giao dịch bằng ngôn ngữ mã hóa, nên “cách thức thực hiện hợp đồng thông minh” như vậy có thể hữu ích cho hoạt động quản lý bản quyền nội dung số và các loại giao dịch SHTT khác. Hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để thiết lập và thực thi các thỏa thuận về SHTT như các hợp đồng li-xăng và cho phép giao dịch thanh toán theo thời gian thực cho các chủ sở hữu quyền; “thông tin thông minh” về các quyền SHTT được bảo hộ, ví dụ như một bài hát hay hình ảnh được mã hóa dưới dạng kỹ thuật số (dưới định dạng file âm nhạc hoặc file ảnh). Những ý tưởng như thế này nhanh chóng tạo thành trào lưu. Ví dụ, hãng Kodak gần đây cho ra mắt nền tảng quản trị quyền đối với hình ảnh dựa trên công nghệ blockchain và tiền điện tử của riêng mình.
Chống hàng giả và thực thi quyền SHTT
Cuốn sổ cái sẽ cho biết ai là người sở hữu, ai là người nhận li-xăng hợp pháp… từ đó cho phép tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng, kể cả người tiêu dùng hay các cơ quan hải quan đều có thể xác minh được sản phẩm chính hãng và phân biệt chúng với hàng giả. Các sổ cái blockchain lưu giữ thông tin về quyền SHTT sẽ cung cấp nguồn thông tin xác thực vì chúng có thể ghi lại các chi tiết có thể kiểm chứng một cách khách quan về thời điểm và nơi sản phẩm được tạo ra, chi tiết về quy trình sản xuất và nguồn nguyên vật liệu. Những giải pháp blockchain như vậy đang nhanh chóng trở thành xu hướng, cho phép người dùng xác minh nguồn gốc của sản phẩm và đảm bảo độ an toàn, tin tưởng cho các doanh nghiệp, cơ quan hữu quan, người tiêu dùng và các công ty bảo hiểm.
Gắn các mã kết nối thông tin với hệ thống blockchain có thể quét được tem chống hàng giả hoặc in tem (hiện rõ hoặc in ẩn) lên sản phẩm là một trong số những ứng dụng thuyết phục nhất của công nghệ blockchain, có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại hàng giả. Minh bạch thông tin cùng với công nghệ blockchain cũng cho phép người tiêu dùng cùng tham gia và nâng cao ý thức về các nguy cơ hàng giả, cũng như có khả năng phân biệt sản phẩm mình mua có phải là hàng chính hãng không. Công nghệ blockchain cũng được sử dụng cùng với các nhãn hiệu chứng nhận để chứng thực sản phẩm đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn hoặc tiêu chí nhất định đã được đặt ra, ví dụ như Woolmark chứng nhận hàng hóa làm từ 100% nguyên liệu len.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ blockchain được xem là chìa khóa cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, công nghệ blockchain đang nhận được sự quan tâm của nhiều chính phủ và tổ chức SHTT, như Cơ quan SHTT Liên minh châu Âu (EUIPO) đang tích cực xem xét khả năng ứng dụng của blockchain; Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết về blockchain và kêu gọi các biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ này trong sản xuất và đời sống; Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã thiết lập một nhóm thành viên Quốc hội về vấn đề blockchain...
Nguyên Hạnh
(lược dịch theo WIPO)