Thứ năm, 27/02/2020 15:04

Tác động của các dự án nông thôn miền núi tới phát triển chăn nuôi gia cầm

TS Nguyễn Quý Khiêm
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
Trong thời gian qua, kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã có tác động tích cực tới phát triển ngành nông nghiệp nước ta nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Chỉ tính riêng kết quả thực hiện các dự án nông thôn miền núi có sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương với vai trò là cơ quan chuyển giao công nghệ đã đào tạo, tập huấn cho hàng nghìn cán bộ kỹ thuật và người dân; xây dựng thành công hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong chăn nuôi với hiệu quả kinh tế cao... Thông qua các dự án, tư duy sản xuất của người dân đã có thay đổi, từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn sinh học.
Trong thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã được giao phối hợp với các địa phương triển khai một số dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi với vai trò là cơ quan chuyển giao công nghệ. Kết quả thực hiện các dự án đã góp phần chuyển giao được gần 100 quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào địa bàn nông thôn, miền núi, các vùng khó khăn tại các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình... Những công nghệ được lựa chọn để chuyển giao là công nghệ tiên tiến so với công nghệ hiện có ở địa phương và hướng vào giải quyết những vấn đề kỹ thuật có tầm quan trọng đối với chăn nuôi gia cầm ở địa phương như: nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi gia cầm nhằm khai thác tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các dự án nông thôn miền núi được Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chuyển giao công nghệ đã xây dựng thành công hơn 300 mô hình và tổ chức hàng chục hội nghị đầu chuồng để giới thiệu kết quả áp dụng KH&CN vào sản xuất tới người dân trên địa bàn triển khai dự án. Qua triển khai các dự án trong những năm qua, đã đào tạo được gần 100 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho cán bộ địa phương trực tiếp quản lý và tiếp nhận công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững cũng như khả năng nhân rộng kết quả của dự án. Các dự án được thực hiện đã tạo được bước đột phá về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào chăn nuôi gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, tạo điều kiện cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi. Kết quả các dự án đã được duy trì và tạo tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương, nâng cao hiểu biết, niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Chương trình nông thôn miền núi đã góp phần cùng với các Chương trình khuyến nông, Chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển các sản phẩm hàng hoá có lợi thế của các vùng, hình thành và phát triển nghề chăn nuôi gà lông màu năng suất cao; ngan, vịt chuyên thịt có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình cũng như chăn nuôi đà điểu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa...; nuôi gà Sao, gà Ai Cập ở Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang và hình thành các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm tại các vùng có dự án triển khai, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn, miền núi. Một số dự án có sức lan toả cao, các mô hình của dự án được duy trì và nhân rộng trong vùng triển khai dự án và các vùng lân cận như “Ứng dụng các giải pháp KH&CN xây dựng mô hình khép kín sản xuất thịt gia cầm an toàn, chất lượng cao tại tỉnh Hải Dương”, “Xây dựng mô hình KH&CN sản xuất thịt gia cầm an toàn, chất lượng cao tại tỉnh Thái Bình”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển chăn nuôi gia cầm tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình”, “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong xây dựng mô hình chăn nuôi gà sao sinh sản và thương phẩm tại Bạc Liêu”...
Mô hình chăn nuôi gà
Mô hình chăn nuôi vịt
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới Chương trình nông thôn miền núi cần mở rộng thực hiện chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất tại các địa phương vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận KH&CN để góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Về kinh phí hỗ trợ, cần tăng định mức hỗ trợ nguyên vật liệu nuôi đàn gia cầm theo như chương trình khuyến nông, đặc biệt nâng cao kinh phí hỗ trợ đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần có kinh phí hỗ trợ cho việc mua sắm dụng cụ, thiết bị chăn nuôi đối với dự án của các tỉnh miền núi. Trả lương cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia xây dựng mô hình với chế độ đãi ngộ, thu hút. Ngoài ra, trong quản lý dự án cần linh động, thích ứng giải quyết cho địa phương về sự thay đổi theo yêu cầu thực tế ở từng giai đoạn thực hiện dự án (thay đổi về mùa vụ, yêu cầu thay đổi của thị trường về sản phẩm, hàng hóa, tình hình trượt giá nguyên vật liệu, công lao động....); có cơ chế điều chỉnh kinh phí của dự án khi có sự biến động về giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào của sản xuất và công lao động; không nhất thiết bắt buộc các công nghệ dự định chuyển giao đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, có thể chấp nhận các công nghệ đang trong giai đoạn hoàn thiện, song đã có kết quả khả quan, có thể chuyển giao ngay.
 
 
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)