Ấn phẩm này đã đưa ra 4 kịch bản dự báo về NSLĐ đến năm 2030 trong bối cảnh KTS. Trong đó, kịch bản 1 đề cập tới một nền kinh tế chuyển đổi số chậm, tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,25%/năm, trong đó, riêng KTS đóng góp 0,43%. Với kịch bản 2 là nền kinh tế đã chuyển đổi số sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành công nghệ thông tin (CNTT) với số liệu tương ứng là 6,97% và 1,15%, chỉ số NSLĐ tăng cũng như đóng góp của KTS là cao nhất. Ở kịch bản 3, cùng với xuất khẩu KTS, phần lớn ngành CNTT trong nước phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia phát triển, trong khi áp dụng các công nghệ số nội bộ ở hầu khắp các ngành vẫn ở mức thấp; tăng NSLĐ trung bình đạt 6,32% và KTS là 0,50%. Ở kịch bản 4, ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT từ các quốc gia khác và 2 chỉ số trên tương ứng là 6,50% và 0,68%. Như vậy, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 7-16,5% tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn 2020-2030. Do đó, có thể khẳng định vai trò của KTS đối với năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế và là một động lực quan trọng để cải thiện NSLĐ.
Tại buổi Lễ, PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, đồng chủ biên cho biết, ấn phẩm 2019 đã chọn vấn đề cải thiện NSLĐ trong bối cảnh KTS làm chủ đề với thông điệp, trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc lớn như dịch Covid-19, chúng ta cần phải xem xét nền tảng nền kinh tế và cơ hội để tái cấu trúc. Hiện NSLĐ của Việt Nam đang ở mức rất thấp, có nguy cơ ngày càng tụt hậu, và sự phát triển nhanh chóng của KTS sẽ đem lại cơ hội để cải thiện chỉ số này, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
TH