Thứ năm, 16/01/2020 15:21

Vương quốc Anh giúp Việt Nam bảo vệ tương lai đồng bằng

Ngày 15/1/2020, Lễ khởi động của Dự án Nghiên cứu Đồng bằng (Living Deltas Hub) tại Hà Nội đã diễn ra trang trọng và thân mật tại Nhà riêng của Đại sứ Anh. Sự kiện có sự góp mặt của gần 70 khách mời, bao gồm Đại sứ Anh Gareth Ward, GS Andy Large - Giám đốc Dự án cùng đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện UBND tỉnh/thành của một số địa phương...

GS Andy Large - Giám đốc Dự án trình bày khái quát về Dự án

Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông là những hệ thống sinh thái xã hội và nguồn lương thực chủ chốt. Tuy nhiên, đồng bằng và sinh kế của người dân địa phương đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn từ sự khai thác của con người và suy thoái môi trường. Việt Nam hiện cũng được xác định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu: 70% đồng bằng sông Mê Kông được đánh giá là dễ bị lũ lụt, gây ảnh hưởng tới 7 triệu người. 25% diện tích Việt Nam được dự đoán là sẽ không sử dụng được vào năm 2100 do nước biển dâng. Khi rủi ro tăng lên, nhu cầu về các chiến lược phát triển bền vững tại địa phương dựa trên kiến thức bản địa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, Dự án Nghiên cứu Đồng bằng do Đại học Newcastle (Vương quốc Anh) chủ trì, kéo dài 5 năm với mục tiêu bảo vệ tương lai đồng bằng dựa trên xây dựng khả năng thích ứng của các cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Dự án được Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu của Vương quốc Anh (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh (UKRI). Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông với sự tham gia của 6 tổ chức nghiên cứu thành viên. Tổng mức tài trợ tương đương khoảng 2 triệu bảng Anh. 
Dự án hoạt động dựa trên mô hình hợp tác công bằng với sự tham gia chặt chẽ của những người dân sinh sống tại đồng bằng và cộng đồng nghiên cứu địa phương, cùng làm việc để tăng cường năng lực, phát triển kiến thức và hiểu biết về: sự thay đổi văn hóa, di sản và sinh kế tại các vùng đồng bằng, trong đó có các vấn đề liên quan đến giới tính và thanh niên; đánh giá đặc tính và rủi ro tại các vùng đồng bằng; điều kiện tự nhiên và thay đổi môi trường; các biện pháp can thiệp ở khu vực ven biển để tăng khả năng chống chịu.
VVH
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)