Thứ tư, 15/01/2020 15:17
Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý, trong đó những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ô nhiễm không khí cần được xem xét phân tích, nhìn nhận để lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới một môi trường trong lành, an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị, hướng tới sự bền vững. Đây là nội dung cơ bản đã được các đại biểu thảo luận tại buổi toạ đàm "Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 14/1/2020.
Tại Tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Thọ khẳng định: Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất có 6 bệnh liên quan tới đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh, bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Mặc dù đã nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết triệt để. Hệ thống thể chế về môi trường không khí chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu hay các hoạt động hỗ trợ (đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, sự tham gia của cộng đồng) chưa phát huy hiệu quả; ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn hạn chế.
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xét từ góc độ kinh tế, ô nhiễm không khí là do cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn còn dựa trên thâm dụng tài nguyên và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong quá trình khai thác tài nguyên, nền kinh tế của chúng ta mang lại giá trị gia tăng thấp, hiệu quả sử dụng năng lượng hạn chế dẫn tới ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, khu vực FDI ở nước ta thời gian qua thường tập trung ở các ngành như chế biến, chế tạo với hàm lượng công nghệ thấp, tận dụng nguồn lao động thủ công và gây ô nhiễm môi trường. Để giảm thiểu tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí đem lại, sắp tới Nhà nước cần xem xét nghiên cứu đưa ra các biện pháp tài chính như: áp dụng chính sách thuế cacbon, phí ô nhiễm không khí, trái phiếu môi trường; đẩy mạnh hợp tác công tư - cơ sở hạ tầng; chi phí cho giám sát và hệ thống xử phạt vi phạm, đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.
TH