Thứ tư, 08/01/2020 15:51

Cần tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội

Ngày 3/1/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ/ngành: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; lãnh đạo một số tỉnh; lãnh đạo các Sở KH&CN; các nhà khoa học, doanh nghiệp trong cả nước.

Bức tranh sáng của KH&CN Việt Nam  
Năm 2019, Bộ KH&CN đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ xây dựng chính sách, pháp luật nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Cơ chế, chính sách liên quan đến KH&CN từng bước được rà soát, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

KH&CN đã có sự gắn kết và song hành cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ KH&CN đang được tái cơ cấu để tránh trùng lắp và bám sát chu trình của hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Các tập đoàn lớn ngày càng quan tâm, đầu tư có trọng tâm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến, có khả năng tiếp cận nhanh chóng thị trường toàn cầu.
Báo cáo tại Hội nghị do Thứ trưởng Trần Văn Tùng trình bày đã nhấn mạnh vào một số thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực của năm qua như:
Khoa học xã hội và nhân văn: đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban kinh tế - xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tiếp tục thực hiện 04 công trình nghiên cứu lớn, có tầm quan trọng cấp quốc gia: Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam"; Nhiệm vụ "Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam"; Dự án "Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông". Các nhiệm vụ được triển khai với sự kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc, thành tựu 30 năm đổi mới, có ý nghĩa thiết thực cho cả hiện tại và tương lai.

Khoa học tự nhiên: tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như: hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển; phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển. Đặc biệt, sự kiện phóng thành công vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo vào ngày 18/1/2019 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy ra.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
Trong lĩnh vực giao thông và xây dựng: đã tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu mới trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông như: triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu về ray hàn liền nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu; thử nghiệm xỉ thép trong xây dựng nền đường, kết cấu áo đường ô tô; phụ gia Cerachip trong bê tông nhựa; phụ gia Geostab để gia cố đất, hỗn hợp đất - đá làm nền, móng đường ô tô; công nghệ tái chế nóng bê tông nhựa. KH&CN được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các khâu từ nghiên cứu vật liệu, xây dựng đơn giá, định mức; thiết kế, thi công công trình; phát triển nhà và đô thị. Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để phù hợp với các công nghệ mới. Bước đầu đã triển khai các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông: mạng viễn thông 5G được nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp viễn thông lớn đã chủ động chuẩn bị cho 5G. Điển hình như Viettel đã thử nghiệm cuộc gọi qua mạng 5G cũng như đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel.
Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai hiệu quả trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phòng thí nghiệm về thông tin di động thế hệ mới đã được triển khai xây dựng, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho cơ sở hạ tầng mạng băng rộng, xây dựng năng lực kiểm thử lỗ hổng mạng, đảm bảo đáp ứng tốt hơn về an toàn thông tin cho các hệ thống di động của Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế: KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng ngừa, chẩn đoán và khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin cúm mùa có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B5; nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em6; sản phẩm stent mạch vành đã được lưu hành trên thị trường và đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam. Lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam.

Bên cạnh những điểm sáng KH&CN trong các ngành, kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng, tiêu biểu như:
Về phát triển thị trường KH&CN: các hoạt động kết nối giữa các bên cung, cầu công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online) và ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (Techfest). Sự kiện Techdemo năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai đã tạo sự lan tỏa, thu hút hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào đổi mới công nghệ9. Bên cạnh các Techfest địa phương, vùng, năm 2019, Bộ KH&CN đã phối hợp với các đối tác tổ chức thành công Techfest Hoa Kỳ, Techfest Hàn Quốc, Techfest Singapore để kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong nước với quốc tế. Techfest Việt Nam 2019 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của đại diện Diễn đàn sáng tạo toàn cầu, Giải khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu và hơn 100 quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế, hơn 120 diễn giả có uy tín trong các lĩnh vực công nghệ, gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước, thu hút hơn 6.500 lượt người tham dự các hội thảo, diễn đàn10. Triển lãm quốc tế về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học (Analytica Vietnam 2019) đã thu hút được hơn 143 đơn vị trưng bày đến từ 15 quốc gia với hơn 4.100 lượt khách tham quan. Chuỗi sự kiện Chợ công nghệ - thiết bị và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techmart - Techfest Mekong 2019) đã được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, tạo môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: trong năm 2019, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nhằm tiếp tục lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước11; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Thông tư hướng dẫn tài chính triển khai Đề án. Đặc biệt, ngày 17/5/2019, Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, đại diện của Việt Nam thắng cuộc từ Techfest Việt Nam 2018, đã vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup (San Francisco, Hoa Kỳ) giành giải thưởng 1 triệu USD.

Cần tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ý kiến đóng góp của nhiều bộ/ngành: theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trình độ KH&CN trong lĩnh vực xây dựng đã được nâng lên đáng kể. Đến nay, Việt Nam trở thành 1 trong 30 nước trên thế giới có khả năng thiết kế, thi công những công trình cao tầng (từ 80 tầng trở lên). Trong năm qua, Bộ Xây dựng đã chú trọng việc đưa KH&CN vào những hoạt động căn bản của ngành, tiến tới số hóa ngành xây dựng, góp phần minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, tránh được thất thoát, lãng phí cho đất nước.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường khẳng định với sự đầu tư của KH&CN trong lĩnh vực quân sự, đã giúp nâng cao tiềm lực quân sự cho đất nước, xây dựng quân đội tinh nhuệ, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu.
Các ý kiến phát biểu từ các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp như: ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Vũ Việt - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình… đều khẳng định những đóng góp to lớn của KH&CN trong qua trình phát triển, KH&CN đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước, thấm sâu và lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh những điểm tích cực, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm đề xuất trong thời gian tới Bộ KH&CN cần có chính sách cụ thể nhằm ứng dụng các thành tựu KH&CN trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào các chương trình, đề án lớn mang tầm vóc quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tài trợ/nguồn vốn đa dạng hơn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả mà hoạt động KH&CN đạt được trong năm vừa qua. Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chung tay, vào cuộc hết sức tích cực để nâng tầm vị thế của KH&CN trên trường quốc tế ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 điểm cần lưu ý, đó là:
1) Cần phải có những hành động và chính sách cụ thể khẳng định doanh nghiệp là trung tâm. Các bộ, ngành cần vào cuộc thật quyết liệt, đầu tư nhiều hơn nữa cho KH&CN chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động kêu gọi, khuyến khích chung chung. Tiếp tục đẩy mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao tính tự chủ của các trường đại học, không phân biệt khu vực nghiên cứu tư nhân và nhà nước. Đổi mới quản lý chi nhân sách KH&CN, biết chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đặt niềm tin vào các nhà khoa học.
2) Bộ KH&CN cần chú trọng hơn nữa đầu tư cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
3) Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, trong đó chú trọng tăng cường kết nối với các hệ sinh thái khác, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường để nước ta sớm có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp trong tương lai không xa.
4) Cần công khai, minh bạch hơn nữa đối với các đề tài, dự án, tạo niềm tin chân thực trong khoa học, bởi đây là thước đo tốt nhất để đánh giá mọi đề tài nghiên cứu; kết nối thông tin với quốc tế.
5) Cần có các giải pháp khơi dậy sự sáng tạo trong toàn xã hội từ những đề tài nghiên cứu, sáng chế đến những sáng kiến trong quản lý xã hội để cuộc sống văn minh; tôn vinh các nhà khoa học, những cá nhân có nhiều sáng kiến.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN và Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN.





 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)