Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, hội thảo nằm trong chuỗi các tọa đàm và hội thảo “đối thoại chính sách” thảo luận các vấn đề thực tiễn được tổ chức thường xuyên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trao đổi các vấn đề thời sự của nền kinh tế. Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tín dụng đen do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Quyết định số 1178/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng cho thấy tín dụng đen là vấn đề mang tầm quốc gia. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Nhà trường đã triển khai nghiên cứu về vấn đề này với 2 nội dung chính: 1) Thực trạng tín dụng đen; 2) Các biện pháp hạn chế tín dụng đen.
Đề cập thực trạng và các giải pháp hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Viện Ngân hàng - Tài chính, Trưởng nhóm nghiên cứu bày tỏ quan điểm, tín dụng đen thực chất là tín dụng nặng lãi đã xuất hiện từ thời trung cổ tại châu Âu, chế độ phong kiến châu Á và những năm 40 của thế kỷ XX tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đến nay, chưa có công trình nghiên cứu tại Việt Nam giải thích chi tiết về lý thuyết cơ bản liên quan tới tín dụng đen hoặc nghiên cứu chủ đề này một cách toàn diện từ nhiều góc độ (quản lý, pháp lý, tâm lý và thị trường…). Mặt khác, các nghiên cứu trước đây chưa đưa ra kiến nghị cụ thể cho thị trường tài chính để có các giải pháp triệt để hạn chế tín dụng đen, đưa nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất nhằm hạn chế và xóa bỏ tín dụng đen là cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng như: các cơ quan quản lý nhà nước và pháp luật; các tổ chức tín dụng; khách hàng có nhu cầu vay vốn; chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương; các cơ quan truyền thông, cơ quan an ninh và tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ. Hội thảo là cơ hội quý cho các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận từ cả giác độ khoa học và thực tiễn nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất hạn chế tín dụng đen ở Việt Nam trong thời gian tới.
TH