Xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa
Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh (được hình thành trên cơ sở chuyển đổi từ các doanh nghiệp đang hoạt động) đã thể hiện được vai trò cầu nối, giúp đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tính đến hết năm 2016, Sở KH&CN Thanh Hóa đã cấp Giấy chứng nhận 15 doanh nghiệp KH&CN (năm 2014 cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 5 đơn vị, năm 2015 và năm 2016 mỗi năm có 5 đơn vị), Thanh Hóa đang đứng thứ 3 cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN, chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều sản phẩm từ kết quả nghiên cứu KH&CN của các doanh nghiệp này đã được thương mại hóa rộng rãi, được cộng đồng tin tưởng và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế KH&CN của địa phương. Một số doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa là:
Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông được công nhận là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nhờ nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm phân bón NPK-Si có hàm lượng Si dễ tiêu cho cây lúa. Từ những nghiên cứu cụ thể về nguồn silic dễ tiêu, Công ty Tiến Nông đã hợp tác với một số doanh nghiệp Thái Lan, khai thác nguồn tro và đá nham thạch có hàm lượng silic cao để sản xuất phân bón NPK-Si. Thông qua hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, Tiến Nông đã tách và đưa vào phân bón NPK một lượng silic dễ tiêu theo tỷ lệ phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây lúa (bón lót, bón thúc), góp phần tăng năng suất từ 8 đến 15%, giúp tiết kiệm cho người dân từ 6 đến 25% lượng phân bón mỗi vụ. Từ thành công với cây lúa, Tiến Nông tiếp tục nghiên cứu và phát triển mở rộng phạm vi ứng dụng ra các đối tượng cây trồng khác (mía, cà phê, cao su, cói…). Nhờ đó, thị trường của sản phẩm không ngừng được mở rộng, nâng tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm NPK-Si trong những năm qua lên hơn 100 ngàn tấn.
Công ty Cổ phần dược vật ty y tế Thanh Hóa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhờ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thành công 2 sản phẩm thuốc uống Biofil và viên hoàn cứng bao phim Hyđan 500. Sản phẩm thuốc uống bổ dưỡng Biofil hiện đang rất được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng, thích hợp cho cả người già, trẻ nhỏ và người đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe. Đây là dược phẩm đầu tiên trong nước có giá trị cao về dinh dưỡng được tạo ra từ bã men bia (hay còn gọi là sữa men bia), là chất thải từ quá trình sản xuất bia. Hàng năm, các nhà máy bia thải ra hàng chục triệu tấn bã men bia, nhưng chỉ một phần nhỏ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại đang thải ra môi trường, gây ô nhiễm. Vì vậy, việc áp dụng thành công quy trình công nghệ để sản xuất thuốc Biofil ở quy mô công nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần tiêu thụ một lượng không nhỏ bã nấm men bia, giúp bảo vệ môi trường. Sản phẩm thứ 2 là thuốc đông dược Hyđan, có nguồn gốc từ các cây cỏ tự nhiên ở nước ta (cây mã tiền, hy thiêm, ngũ gia bì), thông qua kỹ thuật bào chế tiên tiến và sản xuất trên dây chuyền hiện đại, sản phẩm đã giúp điều trị viêm đa khớp dạng thấp, đau nhức xương khớp, đau dây thần kinh liên sườn, đau lưng, đau vai gáy. Đặc biệt, thuốc không kích ứng dạ dày nên dùng được cho cả bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng, đáp ứng được nhu cầu cho người bệnh và có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Hai sản phẩm nêu trên đã được Công ty đưa vào sản xuất từ nhiều năm nay, giúp tăng doanh thu mỗi năm thêm hàng chục tỷ đồng (doanh thu năm 2014 từ Biofil là 40 tỷ đồng, Hyđan là 21 tỷ đồng) và tạo công ăn việc làm ổn định cho 20-30 lao động, với mức thu nhập từ 5,8 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hoá được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhờ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thành công 2 giống lúa: giống lúa lai 3 dòng Thanh hoa ưu 1 và giống lúa Thuần Việt 1. Trong đó, giống lúa lai Thanh hoa ưu 1 là giống lúa lai 3 dòng, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh khá; chất lượng cơm gạo thơm ngon hơn hẳn so với giống Nhị ưu 838 - giống lúa đang được gieo trồng phổ biến hiện nay. Hạt giống F1 được sản xuất trong nước với giá rẻ hơn, giúp giảm chi phí sản xuất và chủ động về nguồn giống, hạn chế sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Giống lúa Thuần Việt 1 là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, độ thuần đồng ruộng cao, khả năng phát triển mạnh. Giống lúa này có các yếu tố cấu thành năng suất khá, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh tốt hơn so với giống Bắc thơm 7, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân do ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; chất lượng cơm gạo tốt, cơm thơm mềm, ngon đậm. Theo đánh giá của các chuyên gia, 2 giống lúa nêu trên của Công ty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hoá vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến môi trường, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp sạch và bền vững.
Công ty TNHH Minh Lộ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên phát triển các phần mềm ứng dụng, đặc biệt là các phần mềm phục vụ lĩnh vực y tế. Trên cơ sở phát triển và thương mại hóa thành công 2 sản phẩm: Phần mềm quản lý bệnh viện Minh Lộ BV và Phần mềm điều hành hỗ trợ xếp hàng tự động và phân luồng bệnh nhân Minh Lộ QMS, Minh Lộ đã được Sở KH&CN Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Về hiệu quả đối với hoạt động chuyên môn, các sản phẩm này đã giúp giảm tải đáng kể khối lượng công việc hành chính, giúp cán bộ nhân viên trong ngành giảm được các sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc do việc sao kê thủ công. Các sản phẩm còn giúp người dân tiếp cận thông tin y tế dễ dàng, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính công bằng khi sử dụng các dịch vụ y tế, tránh việc nhầm lẫn thông tin trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời tăng tính minh bạch trong việc thanh toán chi phí dịch vụ. Với hiệu quả đã được công nhận, hiện đã có 173 bệnh viện trên cả nước triển khai hệ thống quản lý đồng bộ bằng các phần mềm của Minh Lộ.
Một số khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp KH&CN
Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN ở tỉnh Thanh Hóa còn vẫn nhiều khó khăn, do một số nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân mang tính nội tại của tỉnh và nguyên nhân liên quan tới chính sách ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn như:
Thứ nhất, vẫn còn có những doanh nghiệp của tỉnh chưa có thông tin đầy đủ về mô hình doanh nghiệp KH&CN, chưa được tiếp cận với những chính sách ưu đãi của Chính phủ cho mô hình này. Thêm vào đó, Thanh Hóa hiện có gần 8.000 doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng đầu tư phát triển hoạt động KH&CN còn hạn chế. Theo số liệu của Cục Thống kê Thanh Hóa, hiện nay 62% số công nghệ của doanh nghiệp Thanh Hóa là trung bình và lạc hậu, 89,5% doanh nghiệp chưa thực hiện việc đầu tư nâng cao năng lực KH&CN, chỉ có 7% doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Với tiềm lực công nghệ còn yếu, quy mô vốn và năng lực tài chính còn nhỏ, rất khó để triển khai hoạt động đổi mới công nghệ thuần túy, chưa nói đến việc đảm bảo các điều kiện theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động KH&CN theo mô hình này nhưng chưa biết cách tiếp cận với các quỹ phát triển KH&CN quốc gia, còn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh thì quá nhỏ do nguồn vốn của Quỹ rất eo hẹp.
Hai là, qua thực tế triển khai ở Thanh Hóa cho thấy, một số văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp KH&CN chưa đảm bảo sự đồng bộ trong một vài lĩnh vực, dẫn đến việc doanh nghiệp KH&CN chưa được hưởng ưu đãi theo quy định. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa vẫn chưa được hưởng những ưu đãi liên quan đến quyền sử dụng đất, chưa được thuê đất và cơ sở hạ tầng ở mức giá thấp nhất theo khung giá của Nhà nước, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp chuyển đổi theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Thêm vào đó, các quy định liên quan đến kinh phí, hồ sơ để xác nhận, đánh giá các kết quả KH&CN do doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các vật liệu mới, công nghệ mới… còn chưa thuận tiện cho việc triển khai ở địa phương.
Ba là, thủ tục hành chính để xây dựng và thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa còn một số vướng mắc, nhất là việc mô tả quá trình nghiên cứu, ươm tạo, cũng như chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả nghiên cứu KH&CN. Ngoài ra, vẫn chưa có các nghiên cứu thực sự nghiêm túc về kinh nghiệm của các quốc gia có các điều kiện tương đồng và các khảo sát thực tiễn trong vấn đề này, chưa đưa ra được lộ trình xây dựng hệ thống doanh nghiệp KH&CN trên cơ sở khoa học có tính đến đặc thù của từng địa phương, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa cũng như các địa phương triển khai thực hiện.
Bốn là, Thanh Hóa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN từ Trung ương.
Bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị
Với những thành công ban đầu đáng khích lệ trong phát triển doanh nghiệp KH&CN ở Thanh Hóa, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm là: i) Lãnh đạo Sở KH&CN đã bám sát các chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao, trong đó phải kể đến việc áp dụng thành công cơ sở lý luận từ kết quả của đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; ii) Sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN; sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc trong việc hướng dẫn, phổ biến các cơ chế, chính sách của Nhà nước về KH&CN, nhất là các chính sách về doanh nghiệp KH&CN; iii) Sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN gắn liền với Chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thanh Hóa, xin có một số đề xuất như sau:
Về phía Bộ KH&CN, cần hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, pháp luật tạo sự đồng bộ, để các doanh nghiệp KH&CN được thụ hưởng những ưu đãi, giúp Thanh Hóa đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra; sớm ban hành các quy định xét duyệt về kinh phí và hồ sơ để công nhận các kết quả KH&CN do doanh nghiệp tự triển khai. Xác lập giá trị pháp lý rõ ràng hơn của Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tạo sự thống nhất giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành liên quan về thủ tục áp dụng cơ chế ưu đãi (tài chính, đất đai...), trên cơ sở đó xây dựng hướng dẫn chi tiết về chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư (mức ưu đãi, thủ tục tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển...), chính sách ưu đãi đất đai đối với doanh nghiệp KH&CN. Đề xuất Chính phủ điều chỉnh các quy định tại Quyết định 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm” cho phù hợp hơn với nhu cầu và tình hình phát triển ươm tạo doanh nghiệp KH&CN hiện nay ở các địa phương; sửa đổi và ban hành bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp KH&CN theo hướng đơn giản thủ tục, đảm bảo tính khả thi và kế thừa được kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp KH&CN của thế giới.
Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa, cần có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành nhằm giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tháo gỡ vướng mắc trong quy định về tỷ lệ doanh thu từ các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó, để giúp cho nhiều doanh nghiệp nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần phối hợp với Sở KH&CN và các sở, ban ngành có liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền về các ưu đãi của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở địa phương; cần xúc tiến thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN của tỉnh nhằm tạo ra diễn đàn cho các doanh nghiệp KH&CN trao đổi thông tin, kinh nghiệm, để cùng hợp tác phát triển. Các ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành KH&CN, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020.
TS Nguyễn Ngọc Túy
Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa