Theo ông Trần Đắc Hiến, nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN góp phần tăng cường tiêm lực của đất nước, ngày 22/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 592/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592). Tiếp đó, ngày 12/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1381/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 592/QĐ-TTg.
Thưa ông, hiện nay được biết Chương trình 592 tuy đã được triển khai trong một thời gian tương đối dài nhưng mới chỉ phê duyệt để thực hiện được một số lượng khiêm tốn các nhiệm vụ do các doanh nghiệp, tổ chức đề xuất. Vậy phải chăng doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với Chương trình?
Ông Trần Đắc Hiến: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2012, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai thực hiện, trước hết là xây dựng các văn bản hướng dẫn quản lý Chương trình 592 về nhiệm vụ và tài chính. Quá trình xây dựng và ban hành các văn bản này, đặc biệt là thông tư liên tịch với Bộ Tài chính phải mất 2 năm mới xong. Do đó, phải đến nửa cuối năm 2014 Chương trình mới được chính thức triển khai nên có thể nói Chương trình 592 mới triển khai trên thực tế được hơn 2 năm. Ngay sau khi triển khai, Ban chủ nhiệm đã nhận được khoảng hơn 80 đề xuất của các địa phương, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa nghiên cứu kỹ văn bản nên nhiều địa phương, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ chưa trúng, chưa đúng mục tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ của Chương trình nên rất khó được xem xét, chấp nhận.
Ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
Đối với Chương trình 592 chúng tôi đánh giá là với số lượng nhiệm vụ đã được phê duyệt không phải là ít, tuy chưa nhiều. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm Chương trình 592 đã phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều hình thức quảng bá cho Chương trình, như tổ chức các hội thảo ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, viết bài đăng trên các báo, tạp chí, có công văn gửi các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp… để hướng dẫn đăng ký tham gia Chương trình.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chủ động liên hệ với các Sở KH&CN để đề nghị lựa chọn và đề xuất những dự án tốt nhất ở địa phương tham gia vào Chương trình 592. Tuy nhiên sự hưởng ứng của các đối tượng có liên quan cũng chưa nhiều nên số lượng các đề xuất tham gia Chương trình còn rất khiêm tốn. Sự quan tâm của một số địa phương đối với Chương trình cũng chưa thật sự sâu sát để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương mình đăng ký tham gia Chương trình này. Tính đến thời điểm này, Chương trình đã phê duyệt và hỗ trợ thực hiện được 18 nhiệm vụ. Hiện tại, Ban chủ nhiệm Chương trình vẫn tiếp tục nhận những đề xuất của các bộ/ngành, địa phương và thực hiện các thủ tục xét duyệt theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp được hỏi sau khi biết Chương trình, rất muốn được tham gia nhưng thủ tục để tiếp cận Chương trình còn khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Bộ KH&CN có giải pháp gì cho vấn đề này thưa ông?
Ông Trần Đắc Hiến: Đúng là để tham gia Chương trình của các doanh nghiệp cũng còn có những khó khăn, vướng mắc do doanh nghiệp chủ quan. Theo quy định về quản lý nhiệm vụ thuộc Chương trình 592, việc đề xuất tham gia vào Chương trình phải thực hiện theo quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Theo quy định hiện này phải qua các bước đề xuất đặt hàng, qua các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí, ký hợp đồng triển khai thực hiện. Đối với doanh nghiệp thì hồ sơ, quy trình, thủ tục đúng là một khó khăn do không quen cách làm, nên chúng tôi đã hướng dẫn các doanh nghiệp nên liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để dược hỗ trợ viết thuyết minh và thực hiện các thủ tục liên quan.Nếu doanh nghiệp đi theo hướng như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn về quy trình, thủ tục.
Hiện tại, Ban chủ nhiệm chương trình và các đơn vị liên quan của Bộ vẫn tiếp tục nỗ lực khai thác, tìm kiếm và lựa chọn những đề xuất dự án tốt nhất để hỗ trợ. Đặc biệt, để hỗ trợ có hiệu quả cho việc phát triển doanh nghiệp KH&CN và nâng cao năng lực tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập, tại Quyết định số 1381/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài Chương trình 592 đến hết năm 2020 với một số nội dung được điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế phát triển doanh nghiệp KH&CN cũng như tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập.Đến nay, Thông tư quản lý mới của Chương trình đã được sửa đổi bổ sung; Thông tư về quản lý tài chính mới của Chương trình sẽ được Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở để triển khai Chương trình 592 nhanh, thiết thực và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Với mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN và 60 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN đến năm 2020. Ông có nhận định gì về mục tiêu này?
Ông Trần Đắc Hiến: Đây đúng là vấn đề cần phải nghiên cứu thật kỹ để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu đề ra. Trước đây, khi làm Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 để trình Chính phủ ban hành, chúng ta đặt ra mục tiêu 3000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2015, 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào 2020 là quá cao so với thực tế. Thực tiễn triển khai cho thấy, để có được 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020 là thực sự khó khăn và khó khả khi. Chúng tôi nghĩ rằng từ nay đến năm 2020, Chương trình 592 cùng với các chương trình khác và các cơ chế, chính sách hiện hành sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để hình thành và phát triển khoảng 3000 doanh nghiệp KH&CN. Đây cũng là con số khó khăn phải đạt tới nhưng Chương trình 592 cùng với các chương trình KH&CN khác mà Bộ KH&CN và các bộ/ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ quyết liệt, hy vọng rằng con số 3.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực và điều quan trong hơn là các doanh nghiệp KH&CN này phải có đủ “sức khỏe”, sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững trong thị trường.
Xin cảm ơn ông!
(VietQ.vn)
http://vietq.vn/khai-phong-moi-nguon-luc-de-thuc-day-doanh-nghiep-khcn-phat-trien-d118132.html