Thứ năm, 19/07/2018 04:18

Tiếp cận công nghệ chuỗi khối

Với cơ chế hoạt động đặc trưng như số hóa, đồng thuận phi tập trung, sổ cái lưu trữ các giao dịch công khai, công nghệ chuỗi khối (blockchain) giúp các hoạt động kinh doanh diễn ra minh bạch, an toàn và bảo mật hơn. Công nghệ chuỗi khối đang ngày càng được nhiều quốc gia, doanh nghiệp ứng dụng trên các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế… Tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh hàng hóa nhưng còn thiếu các quy định điều chỉnh lĩnh vực này.

Công nghệ chuỗi khối được đánh giá là công nghệ đột phá và sẽ dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong một vài thập kỷ tới. Lợi ích của công nghệ này có thể dẫn chứng qua ứng dụng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, khi hàng hóa được chuyển từ đất nước này đến đất nước khác, chuyển đến địa điểm nào thì tất cả những thành viên tham gia mạng chuỗi khối đều có thể theo dõi tình trạng hàng hóa và biết cụ thể thời gian đến. Trong lĩnh vực bán lẻ, công nghệ chuỗi khối phục vụ hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc, những người tham gia chuỗi khối biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu, sản xuất từ đâu, lịch sử các giao dịch. Hiện nay, nhiều người lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ lưu trữ của Google, nếu Google ngưng hoạt động hay biến mất thì toàn bộ thông tin, dữ liệu cũng mất do không có máy chủ để lưu trữ thông tin. Trong khi đó công nghệ chuỗi khối cho phép người dùng kiểm soát thông tin, dựa trên cơ sở mỗi máy tính sẽ là một máy chủ, lưu trữ cùng nội dung thông tin. Nếu một máy bị ảnh hưởng thì thông tin vẫn được lưu trữ trên các máy khác và người dùng không bị mất dữ liệu. Công nghệ chuỗi khối không thể thay đổi được thông tin, do đó sẽ giúp việc minh bạch hóa hoạt động, nhất là các giao dịch về tài chính.
Đã có nhiều quốc gia ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào điều hành kinh tế, xã hội và xây dựng hành lang pháp lý cho công nghệ mới này. Như tại Xin-ga-po, công nghệ chuỗi khối được ứng dụng trong lĩnh vực y tế để lưu trữ bệnh án; tại Thụy Điển, dùng để quản lý quyền sử dụng đất; Đu-bai dự kiến áp dụng công nghệ này để vận hành bộ máy Chính phủ vào năm 2020…Tại Việt Nam, cũng đã có một số đơn vị ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào hoạt động kinh doanh. Nhiều năm trước, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (tỉnh Đồng Tháp) luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do tem dán trên sản phẩm của công ty không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, người dùng không biết thông tin quả xoài được thu hoạch khi nào, đồng thời, bị làm giả tem nhận diện hàng hóa. Sau khi đơn vị vận dụng tính minh bạch của công nghệ chuỗi khối bài toán này đã giải được, đưa từng công đoạn lưu trữ trên chuỗi khối và thể hiện trên con tem định danh của quả xoài. Phó Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương Bùi Minh Cần cho biết, hệ thống quản lý chuỗi khối sẽ kích hoạt thông tin từ lúc thu hoạch đến khi bán ra đại lý và thông tin không thể thay đổi được, do đó, không thể làm giả tem. Quản lý bằng công nghệ chuỗi khối cũng sẽ minh bạch hơn trong việc đổi, trả hàng hóa giữa đại lý và hợp tác xã; người tiêu dùng hài lòng hơn vì chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể quét mã vạch trên tem định danh trên quả xoài để biết nguồn gốc, thời điểm thu hoạch, biết cách bảo quản, thời gian sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Nguyễn Thế Quang cho rằng, so với thế giới, trình độ hiểu biết về chuỗi khối của Việt Nam hiện nay có thể coi như đang cùng mặt bằng và đó là cơ hội lớn để phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện nay, vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ mới này và các cơ quan chức năng phải có đánh giá một cách thận trọng, dự báo các tác động trước khi hình thành các chính sách. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, nguồn lực đầu tư kể cả về công nghệ, nhân lực và thủ tục triển khai còn nhiều hạn chế. Rào cản giữa các doanh nghiệp là chuẩn kết nối và chuẩn dữ liệu vẫn chưa được thống nhất để hệ thống xử lý tự động.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Chu Ngọc Anh, theo xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần thiết tiếp tục theo dõi, khuyến khích, phát huy những ưu điểm của công nghệ chuỗi khối, đồng thời nghiên cứu, đưa ra các chủ trương, chính sách, pháp luật để điều chỉnh phù hợp, giảm các rủi ro tiềm ẩn. Thời gian tới, Bộ KH và CN sẽ phối hợp các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối; nghiên cứu kinh nghiệm các nước; tham mưu trong ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ chuỗi khối. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ chuỗi khối thông qua các chương trình KH và CN cấp quốc gia; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ chuỗi khối thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
NHẬT MINH
http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/36999902-tiep-can-cong-nghe-chuoi-khoi.html

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)