Thứ hai, 16/07/2018 04:11

Hoàn thiện môi trường pháp lý về chuyển giao công nghệ

Ngày 1-7-2018, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) số 07/2017/QH14 có hiệu lực, thay thế Luật CGCN số 80/2006/QH11. Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung một số vấn đề mới như: Thẩm định công nghệ dự án đầu tư; chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nâng cao năng lực phát triển công nghệ trong nước…, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN).

 

alt

Sản xuất thiết bị bào chế dược phẩm công nghệ cao tại Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn (TP Hồ Chí Minh).

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật CGCN số 80/2006/QH11 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng tiến bộ KH và CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Nhưng luật cũng bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp xu thế đổi mới trong phát triển kinh tế, xã hội và “vênh” với một số luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,...
Trong bối cảnh đó, Luật CGCN (sửa đổi) được ban hành, với mục tiêu tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn để thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH và CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Một trong những điểm mới của Luật CGCN (sửa đổi) là bổ sung một chương (Chương II, gồm có 9 điều) quy định công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ; quy trình, thủ tục thẩm định, lấy ý kiến đối với từng loại dự án. Đồng thời, quy định việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư.
Trước đây, Luật Đầu tư quy định, chỉ dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Để bảo đảm kiểm soát công nghệ ngay từ đầu vào, Luật CGCN (sửa đổi) đã bổ sung trường hợp dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, có sử dụng công nghệ phải thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH và CN và cơ quan quản lý chuyên ngành đối với công tác thẩm định, có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư, góp phần ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung quy định về CGCN trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy CGCN, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại với hình thức, phương thức CGCN đặc thù trong nông nghiệp. Luật khuyến khích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý trong nông nghiệp.
Để nâng cao năng lực phát triển công nghệ trong nước, Luật CGCN (sửa đổi) bổ sung chính sách ưu tiên CGCN để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, Nhà nước khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Quy định này thể hiện sự thay đổi về tư duy đối với hoạt động CGCN, đó là không quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Việt Nam cần ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, từng bước tự chủ về công nghệ.
Ngoài ra, nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật CGCN (sửa đổi) quy định cơ chế giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu trong trường hợp Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước phải bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu, tác giả, tổ chức chủ trì, tổ chức trung gian, tổ chức, cá nhân tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ công nhận. Nếu kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó. Bên cạnh đó, quy định cho phép nhà khoa học từ các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học tham gia hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thời gian các nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao, được hưởng ưu đãi dành cho nhân lực công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao. Thời gian nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp được tính vào quỹ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Nhà khoa học nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nếu đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ …
Để triển khai Luật CGCN (sửa đổi), sau khi được Chính phủ giao, Bộ KH và CN đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật. Ngày 15-5-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CGCN; Bộ KH và CN cũng đã ban hành một số Thông tư nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật về CGCN.
ĐỖ HOÀI NAM
Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH và CN)
http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/37000002-hoan-thien-moi-truong-phap-ly-ve-chuyen-giao-cong-nghe.html

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)