Vận hành lò đốt rác LOSHIO, sản phẩm do Cty TNHH Tân Thiên Phú, Xuân Tiến (Xuân Trường) sản xuất được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp văn bằng độc quyền sáng chế.
Điều kiện bắt buộc để được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN được quy định rõ: Doanh nghiệp phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả nghiên cứu KHCN được sở hữu hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên như: thông tin - truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ sinh học (đặc biệt công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế); tự động hóa; công nghệ vật liệu mới, đặc biệt công nghệ nano; công nghệ bảo vệ môi trường; năng lượng mới; công nghệ vũ trụ… và trực tiếp sản xuất sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ đã làm chủ đó. Các doanh nghiệp KHCN được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan Nhà nước thành lập, ngoài ra còn nhiều ưu đãi, hỗ trợ về pháp lý, tư vấn về sở hữu trí tuệ… Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thành lập doanh nghiệp KHCN. Đặc biệt thông qua hình thức tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề xây dựng và phát triển doanh nghiệp KHCN đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về vai trò của KHCN đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; tầm quan trọng của việc hình thành doanh nghiệp KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như những kiến thức có liên quan đến quá trình hình thành doanh nghiệp KHCN, các hoạt động hỗ trợ ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KHCN… Sở KH và CN tập trung chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tư vấn, hỗ trợ cụ thể định hướng đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp KHCN. Trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện về doanh nghiệp KHCN, Sở đã tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ và tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN là Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) và Cty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường). Đây là 2 doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực KHCN; tổ chức nghiên cứu và phát triển KHCN và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN phục vụ sản xuất và đời sống. Thành lập từ năm 1997, Cty TNHH Cường Tân đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của KHCN nên Cty đã sớm xây dựng chiến lược phát triển lấy KHCN làm nền tảng. Tháng 5-2008, Cty đã thành công trong việc mua lại bản quyền sản xuất giống lúa lai 2 dòng TH3-3 từ Viện Sinh học Nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) với trị giá trên 10 tỷ đồng về tổ chức sản xuất cung ứng giống lúa cho nông dân. Quyết định này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ta cũng như các tỉnh khác, đồng thời biến những vùng sản xuất lúa manh mún của 3 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường thành vùng chuyên canh sản xuất hạt giống lai F1, với cánh đồng lúa giống rộng 500ha được quy hoạch đúng tiêu chuẩn… Không dừng lại ở đó, Cty tiếp tục liên kết với các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới có năng suất và chất lượng như CT16, HĐ, M1-NĐ...; xây dựng, hoàn thiện, cải tiến các quy trình kỹ thuật cho phù hợp với thực tiễn sản xuất lúa giống tại địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Cty cũng mua bản quyền, tổ chức sản xuất nhiều loại giống cây trồng nông nghiệp, có giá trị năng suất cao do Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng nghiên cứu như 2 giống lúa: Hương cốm, Hương cốm 4 và 2 giống ngô VNUA16, VNUA69. Sau nhiều năm kiên trì với hoạt động chọn tạo lúa lai, Cty Cường Tân đã tích luỹ được cả kinh nghiệm, công nghệ sản xuất và cơ sở sản xuất, đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất lúa lai F1 của nước ngoài.
Hoạt động sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, Cty TNHH Tân Thiên Phú là doanh nghiệp trưởng thành từ làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) nên ngoài kỹ năng vốn có của làng nghề truyền thống, Cty tập trung nghiên cứu, sáng chế, cải tiến kỹ thuật một số máy móc thiết bị như: máy nghiền thức ăn chăn nuôi gia súc; máy băm và thu gom phụ phẩm nông nghiệp; thiết bị trồng nấm, máy chế biến thức ăn chăn nuôi mô hình trang trại và gia đình, máy ấp trứng tự động… Những sản phẩm này đã góp phần quan trọng vào việc giúp người nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất, đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Cty đã thành công với việc nghiên cứu chế tạo lò đốt rác thải sinh hoạt LOSIHO phục vụ công tác xử lý rác thải khu vực nông thôn. Thiết bị có công suất xử lý rác từ 300 kg/giờ - 500 kg/giờ, sử dụng công nghệ đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng. Sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp bằng sáng chế độc quyền. Hiện tại, sản phẩm lò đốt rác đã được cải tiến có kích thước nhỏ gọn với các loại công suất từ 10 tấn, 20 tấn, 50 tấn, 100 tấn/ngày... phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, tiết kiệm diện tích nhưng lại có hiệu suất sử dụng cao. Sản phẩm được xuất bán cho hầu hết các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Năm 2017, Cty tiếp tục nghiên cứu xây dựng thử nghiệm mô hình công viên rác thải theo hướng cải tạo bãi rác đã quá tải của Thị trấn Xuân Trường để có thể khai thác diện tích làm nơi vui chơi giải trí cho người dân bằng cách lắp đặt hệ thống lò đốt đốt rác LOSIHO áp dụng công nghệ xử lý khói thông minh vừa đáp ứng yêu cầu xử lý rác, vừa tiết kiệm diện tích đặt máy, tập kết rác. Phần diện tích còn lại được đầu tư cải tạo trồng cây xanh biến thành công viên cho người dân có nơi thư giãn, giải trí.
Việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN ở tỉnh ta bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KHCN, tạo đòn bẩy thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KHCN, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN cũng như tăng cường phối hợp trong việc thực hiện những ưu đãi cho doanh nghiệp theo quy định. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong từng doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng và phát triển doanh nghiệp KHCN của tỉnh phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201806/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-nham-khuyen-khich-nghien-cuu-sang-tao-2525176/