Theo ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, Chủ nhiệm chương trình -hiện chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (chương trình 592) thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được hỗ trợ cho các hoạt động KH&CN hoặc quá trình tạo ra sản phẩm KH&CN của mình. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về tiêu chí của chương trình.
Phải có yếu tố nghiên cứu, làm chủ công nghệ
Trong buổi gặp mặt gần đây giữa Ban chủ nhiệm chương trình 592 với các doanh nghiệp, Công ty TNHH Trang Dũng (Bắc Ninh) - đơn vị chuyên sản xuất kệ gỗ công nghiệp cung cấp ra thị trường - bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về nghiên cứu KH&CN.
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng của công ty cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc (Hải Phòng). Ảnh: Duy Tiến
Đại diện Trang Dũng cho biết, trong quá trình sản xuất kệ gỗ, công ty phải nhập chi tiết cục block (dùng để tạo khoảng cách giữa các mảnh ván ép) từ Trung Quốc. Nguyên liệu làm ra chi tiết này chỉ là keo, mùn cưa hoặc gỗ vụn băm ra - đều là những thứ Việt Nam có nguồn cung dồi dào, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được, phải nhập khẩu hoàn toàn. Công ty Trang Dũng muốn đứng ra nghiên cứu sản xuất và sẵn sàng đầu tư vốn.
Bà Dương Bích Huệ - Giám đốc Công ty Kinoko - cho biết, doanh nghiệp này đang hoàn tất thủ tục nhập khẩu quy trình sản xuất nấm kim châm của Nhật Bản để đi vào hoạt động vào tháng 10/2016 với công suất 3,6 tấn/ngày.
“Tiềm năng thị trường nấm rất lớn. Hiện nấm kim châm chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức tiêu thụ từ 5-20 tấn/ngày” - bà Huệ nói. Tham gia chương trình 592, Kinoko mong được hỗ trợ về vốn, bởi công ty vừa chi 36 tỷ đồng để nhập khẩu toàn bộ công nghệ từ Nhật Bản.
Hai dự án vừa nêu mặc dù đều rất thiết thực nhưng theo ông Trần Đắc Hiến thì vẫn chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Chương trình 592 hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, giải mã, làm chủ, hoàn thiện công nghệ trên cơ sở những ý tưởng công nghệ mà doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp hình thành doanh nghiệp KH&CN.
“Xét về doanh thu, doanh nghiệp KH&CN năm đầu tiên phải đạt 30% từ sản phẩm đề xuất, năm thứ hai là 50% và năm thứ ba là 70%. Trong trường hợp Công ty Trang Dũng, sản phẩm cục block nếu chỉ chiếm 20% giá thành thì chưa đáp ứng yêu cầu này” - ông Hiến nói.
Với trường hợp Công ty Kinoko, Giáo sư Lê Trần Bình - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình - cho rằng, việc nhập quy trình sản xuất nấm của Nhật Bản là tốt, nhưng xét ở khía cạnh đề xuất hoàn thiện công nghệ, nên chọn một yếu tố công nghệ trong đó để hoàn thiện.
Theo ông Hiến, Kinoko cần đưa ra phương án cho thấy công ty sẽ trở thành doanh nghiệp KH&CN như thế nào, bộ phận nào sẽ là bộ phận nghiên cứu nòng cốt. Nếu chỉ nhập toàn bộ dây chuyền sản xuất về mà không có yếu tố nghiên cứu, làm chủ công nghệ thì rất khó nhận được hỗ trợ từ chương trình.
Kéo dài chương trình hỗ trợ
Ông Trần Đắc Hiến cho biết, Chương trình 592 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 và triển khai từ giữa năm 2014 khi có đủ đầy đủ cơ sở pháp lý. Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ được cho 12 dự án và đang xem xét một số dự án đề xuất tham gia.
Để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, Thủ tướng đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện chương trình 592 đến hết năm 2020 (thay vì kết thúc vào năm 2015) và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong thời gian tới.
Theo đó, chương trình sẽ tiếp tục phát triển doanh nghiệp KH&CN và tăng cường năng lực tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này, nhằm hướng đến các mục tiêu: Hình thành và phát triển 3.000 doanh nghiệp KH&CN, 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ 1.000 cá nhân, tổ chức, nhóm nghiên cứu ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, góp phần hình thành các tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới.
“Những sửa đổi, bổ sung này là cơ sở để chương trình hiệu quả hơn. Đặc biệt, sự có mặt của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp lớn là yếu tố quan trọng giúp chương trình có sức sống, đóng góp thiết thực cho sự phát triển KH&CN nước nhà”- ông Trần Đắc Hiến nói.
(khoahocvaphattrien)