Thứ hai, 05/06/2017 03:22

Thực hiện tự chủ trong các tổ chức KH&CN công lập: Còn nhiều đặc thù khác nhau

Không thể “cào bằng” trong việc giao trách nhiệm tự chủ cho các đơn vị KH&CN công lập mà cần có thêm đánh giá, thảo luận lấy ý kiến các nhà khoa học.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BN

Đó là kết luận chính của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trưởng Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Nhà nước về Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập trong buổi làm việc với Bộ KH&CN ngày 1/6.
Tiến hành tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN. Bởi vì hiện nay chi cho KH&CN bị “dàn trải” do có quá nhiều đơn vị nghiên cứu, trong đó nhiều đơn vị chồng chéo, trùng chức năng. Chi thường xuyên trở thành “gáng nặng” lớn nhất khi chiếm tới 90% chi cho KH&CN, chỉ có 10% ngân sách cho KH&CN được chi trực tiếp cho nghiên cứu KH&CN, theo ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN.
Trong nhiều năm qua, nhằm “giải phóng” tối đa sức sáng tạo, thúc đẩy đưa kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn, nhiều chính sách quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã ra đời (như các Nghị định 115/2005/NĐ-CP; 54/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, thực tiễn sau hơn 10 năm thực hiện những quy định này vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo thống kê chưa đầy đủ (từ báo cáo của 582 trong tổng số 1432 tổ chức KH&CN công lập trong cả nước đến ngày 31/5/2017) mới chỉ có 3 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0.5%), 59 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên (chiếm 10%); 281 tổ chức tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (chiếm 48,3%); 239 tổ chức do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên chiếm (41,2%). Riêng Bộ KH&CN có 19 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi tiêu thường xuyên, 29 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên , 28 đơn vị do Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên (lần lượt tương ứng 25%, 38% và 36% trong tổng số 76 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ KH&CN).
Một trong những nguyên nhân gây vướng mắc trong tiến trình tự chủ hóa là những khó khăn đặc thù của từng ngành. Theo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, quá trình tự chủ không đồng nghĩa với tư tưởng nhất định phải xã hội hóa, “thoát bao cấp” về mặt tài chính, dẫn tới việc bằng mọi giá phải “giảm chi”, tinh giản biên chế mà thậm chí có những đơn vị cần phải được tăng đầu tư. “Đối với các ngành KH&CN, giáo dục và y tế, cần phải đánh giá kỹ lưỡng những đơn vị nào tự chủ được, thu hút xã hội hóa được. Trong khoa học có những thứ xã hội hoá được, có những thứ không thể xã hội hoá. Ví dụ tư nhân không quan tâm và lấy đâu ra tiền mà đầu tư cho nghiên cứu vũ trụ?”, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết.
Tổng kết buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&CN tiếp tục tổng hợp số liệu, đánh giá cụ thể “đơn vị nào trùng lặp, chồng chéo” để đưa ra phương án “sắp xếp” lại các tổ chức KH&CN công lập để báo cáo Ban chỉ đạo Nhà nước về Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, “không thể sắp xếp lại các đơn vị KH&CN một cách ‘cào bằng’, mà cần dựa trên các nghiên cứu đầy đủ, khách quan, và có thêm sự thảo luận, lấy ý kiến từ các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Bảo Như, Bình Nguyên (tiasang)

http://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Thuc-hien-tu-chu-trong-cac-to-chuc-KHCN-cong-lap-Con-nhieu-dac-thu-khac-nhau-10703

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)